Cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu nhà ở ở Việt Nam không?

Chuyên viên pháp lý Lê Trần Hương Trà
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu nhà ở ở Việt Nam không?

Nội dung chính

    Cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu nhà ở ở Việt Nam không?

    Căn cứ tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Nhà ở 2023 quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở là cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

    Quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài
    1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật này được thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 10 của Luật này; trường hợp xây dựng nhà ở trên đất thuê thì chỉ được quyền cho thuê nhà ở.
    2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này có quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:
    a) Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở theo đúng số lượng quy định tại Điều 19 của Luật này và được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó;
    b) Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 của Luật này hoặc vượt quá số lượng nhà ở quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 16 của Luật này thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở;
    c) Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.
    Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
    Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

    Như vậy, cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

    Cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu nhà ở ở Việt Nam không?Cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu nhà ở ở Việt Nam không? (Hình từ Internet)

    Quyền của cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quy định như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 10 Luật Nhà ở 2023 quy định về quyền của cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

    - Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

    - Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và mục đích khác mà pháp luật không cấm;

    - Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và pháp luật về đất đai;

    - Bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở theo quy định của Luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở và các quyền khác theo quy định của pháp luật; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho đối tượng không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

    Trường hợp Luật Đất đai 2024 có quy định khác về quyền của chủ sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thực hiện theo quy định đó;

    - Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Trường hợp là chủ sở hữu nhà chung cư thì có quyền sở hữu chung, sử dụng chung đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư và công trình hạ tầng sử dụng chung của khu nhà chung cư đó, trừ công trình được xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở;

    - Bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng;

    - Được bảo hộ quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở 2023;

    - Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở;

    - Quyền khác theo quy định của pháp luật.

    Để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm những điều kiện nào?

    Căn cứ tại khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở 2024 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

    Đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
    ...
    2. Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
    a) Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;
    b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;
    c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.

    Như vậy, để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần thỏa mãn những điều kiện đã nêu trên.

    121
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ