Các loại nhà ở thuộc tài sản công và việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Tài sản công là gì?
Căn cứ theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định về tài sản công được quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
1. Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
...
Như vậy, theo quy định trên thì tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm:
- Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
- Tài sản công tại doanh nghiệp.
- Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước.
- Đất đai và các loại tài nguyên khác.
Các loại nhà ở thuộc tài sản công?
Căn cứ quy định tại Điều 13 Luật Nhà ở 2023 quy định các loại nhà ở thuộc tài sản công như sau:
Nhà ở thuộc tài sản công
1. Nhà ở thuộc tài sản công bao gồm:
a) Nhà ở công vụ bao gồm nhà ở công vụ của trung ương và nhà ở công vụ của địa phương theo quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về nhà ở nhưng chưa bố trí tái định cư;
c) Nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng để bố trí cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;
d) Nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật trong các thời kỳ và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;
đ) Nhà ở của chủ sở hữu khác được chuyển thành sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản này.
2. Việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện theo quy định của Luật này; trường hợp Luật này không quy định thì thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, nhà ở thuộc tài sản công bao gồm:
- Nhà ở công vụ
- Nhà ở để phục vụ tái định cư
- Nhà ở xã hội
- Nhà ở được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập sở hữu toàn dân
- Nhà ở của chủ sở hữu khác được chuyển thành sở hữu toàn dân theo quy định
Các loại nhà ở thuộc tài sản công và việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Các quy định về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 125 Luật Nhà ở 2023 quy định việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công như sau:
- Nhà ở thuộc tài sản công phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; việc cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở phải đúng đối tượng, đủ điều kiện, theo đúng quy định của Luật này.
- Tiền bán, cho thuê mua nhà ở thuộc tài sản công sau khi trừ chi phí hợp lý phải được bố trí trong dự toán chi ngân sách dùng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc tài sản công.
- Đối với nhà ở công vụ thì chỉ được sử dụng để cho thuê; đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thì được xây dựng để cho thuê, cho thuê mua, bán, trường hợp được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công thì chỉ để cho thuê, cho thuê mua.
- Trường hợp cần đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công có thể lập đề án bán nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đang cho thuê, trừ trường hợp nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023, gửi Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định của Chính phủ.
- Việc cho thuê, bán nhà ở thuộc tài sản công quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2013 chỉ được thực hiện khi không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng nhà ở đó theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và phải thuộc trường hợp được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Các trường hợp bố trí sử dụng nhà ở thuộc tài sản công quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2013 kể từ ngày 19 tháng 01 năm 2007 thì quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; nếu Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện bán theo quy định về bán tài sản công của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
- Người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc trường hợp bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.
Người trả lại nhà ở công vụ nếu không thuộc trường hợp bị thu hồi nhà ở do có hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, e và h khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở 2023 và chưa có nhà ở tại nơi sinh sống sau khi trả lại nhà ở công vụ thì cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng người này có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ tình hình cụ thể để giải quyết cho mua, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội hoặc giao đất ở để họ xây dựng nhà ở.
-Việc quản lý vận hành nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện như sau:
+ Do tổ chức hoặc doanh nghiệp có chức năng, năng lực chuyên môn về quản lý vận hành nhà ở thực hiện và được hưởng các cơ chế ưu đãi như đối với dịch vụ công ích;
+ Đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023 giao cho đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở thực hiện quản lý vận hành nhà ở, đối với nhà chung cư thì đơn vị này phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Nhà ở 2023 thực hiện quản lý vận hành; trường hợp không có đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở hoặc có đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở nhưng không có đủ điều kiện, năng lực quản lý vận hành thì đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý vận hành.
- Việc quản lý, sử dụng nhà ở sau khi thu hồi được thực hiện theo quy định tại Điều 127 Luật Nhà ở 2023.