Cá nhân có tư cách hợp lệ để làm nhà thầu tham dự thầu không? Có mấy hình thức lựa chọn nhà thầu?

Nhà thầu là cá nhân có tư cách hợp lệ để tham dự thầu không? Có mấy hình thức lựa chọn nhà thầu? Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu gồm những gì?

Nội dung chính

    Nhà thầu là cá nhân có tư cách hợp lệ để tham dự thầu không?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:

    Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư

    1. Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    a) Đối với nhà thầu, nhà đầu tư trong nước: là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài: có đăng ký thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài;

    b) Hạch toán tài chính độc lập;

    c) Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;

    d) Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

    đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;

    e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật này;

    g) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

    h) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

    ...

    3. Nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

    b) Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp trong trường hợp pháp luật có quy định;

    c) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.

    ...

    Như vậy, nhà thầu là cá nhân có tư cách hợp lệ để tham dự thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

    - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân.

    - Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp trong trường hợp pháp luật có quy định.

    - Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023.

    - Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.


    Cá nhân có tư cách hợp lệ để làm nhà thầu tham dự thầu không? Có mấy hình thức lựa chọn nhà thầu?(Hình từ Internet)

    Có mấy hình thức lựa chọn nhà thầu?

    Tại Điều 20 Luật Luật Đấu thầu 2023  có quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu như sau:

    Các hình thức lựa chọn nhà thầu

    1. Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm:

    a) Đấu thầu rộng rãi;

    b) Đấu thầu hạn chế;

    c) Chỉ định thầu;

    d) Chào hàng cạnh tranh;

    đ) Mua sắm trực tiếp;

    e) Tự thực hiện;

    g) Tham gia thực hiện của cộng đồng;

    h) Đàm phán giá;

    i) Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

    2. Trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại khoản 1 Điều này, có tính ưu việt, sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, Chính phủ quy định về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

    Như vậy, có 09 hình thức lựa chọn nhà thầu.

    Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu gồm những gì?

    Căn cứ tại Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 , nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu bao gồm:

    - Chỉ dẫn nhà thầu, tùy chọn mua thêm (nếu có).

    - Bảng dữ liệu đấu thầu.

    - Tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; kỹ thuật; tài chính, thương mại; uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng hàng hóa tương tự đã sử dụng.

    Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt, hồ sơ mời thầu phải nêu rõ phạm vi công việc và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt;

    - Biểu mẫu mời thầu và dự thầu.

    - Phạm vi cung cấp, yêu cầu về kỹ thuật, điều khoản tham chiếu.

    - Điều kiện và biểu mẫu hợp đồng.

    - Các hồ sơ, bản vẽ và nội dung khác (nếu có).

    *Lưu ý: Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng

    15