Cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác không?

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Bảo Anh Thư
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác không? Cá nhân nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác có cần đăng ký biện pháp bảo đảm không?

Nội dung chính

    Cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác không?

    Căn cứ Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp.

    Theo đó, thế chấp quyền sử dụng đất là hành vi mà chủ sở hữu quyền sử dụng đất sử dụng quyền sử dụng đất của mình làm tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ, đồng thời không phải giao đất cho bên nhận thế chấp. Quyền sử dụng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp trong suốt quá trình thế chấp, và bên thế chấp vẫn có quyền sử dụng đất trong phạm vi quyền lợi của mình.

    Căn cứ Điều 35 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định việc nhận thế chấp của cá nhân không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất của cá nhân sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

    - Bên nhận thế chấp nếu là cá nhân thì phải là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    - Việc nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác;

    - Trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác áp dụng không được vượt quá giới hạn thỏa thuận về lãi, lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 5 Điều 466 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp có thỏa thuận về việc xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật thì chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn;

    Như vậy, cá nhân có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác với các điều kiện nhất định. Cụ thể, bên nhận thế chấp phải là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và việc nhận thế chấp không vi phạm các quy định pháp luật, đạo đức xã hội. Hơn nữa, các giao dịch này cũng phải tuân thủ các quy định về lãi suất và xử lý nợ theo các điều khoản của Bộ luật Dân sự 2015.

    Cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác không?

    Cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác không? (Hình ảnh từ Internet)

    Cá nhân nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác có cần đăng ký biện pháp bảo đảm không?

    Căn cứ vào Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 thế chấp quyền sử dụng đất được quy định là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó bên thế chấp dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp mà không phải giao tài sản cho bên nhận. Đây là hình thức bảo đảm phổ biến và có giá trị pháp lý cao trong các giao dịch dân sự.

    Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng và đảm bảo tính minh bạch của giao dịch, đăng ký biện pháp bảo đảm là một bước quan trọng. 

    Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 99/2022/NĐ-CP đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, cập nhật thông tin vào Sổ đăng ký hoặc Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm về việc tài sản được dùng làm bảo đảm cho nghĩa vụ của bên bảo đảm, người bảo đảm hoặc cả hai đối với nghĩa vụ của mình và người khác.

    Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 25 Nghị định 99/2022/NĐ-CP nếu cá nhân nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác thì việc đăng ký biện pháp bảo đảm là bắt buộc. 

    Đây là yêu cầu pháp lý để đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp, giúp xác định rõ quyền và nghĩa vụ giữa các bên, đồng thời tạo sự an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong giao dịch thế chấp.

    Như vậy, cá nhân nhận thế chấp quyền sử dụng đất từ cá nhân khác thì bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm.

    Cách thức nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp quyền sử dụng đất

    Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về cách thức nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp quyền sử dụng đất như sau:

    - Hồ sơ đăng ký được nộp theo một trong các cách thức sau đây:

    (i) Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;

    (ii) Nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính;

    (iii) Qua thư điện tử.

    - Cách thức nộp hồ sơ đăng ký quy định tại (i) và (iii) đối với quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

    - Cách thức nộp hồ sơ đăng ký quy định tại (iii) đối với trường hợp đăng ký quy định tại Điều 44 Nghị định 99/2022/NĐ-CP được áp dụng đối với người đã được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến.

    71
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ