Bỏ thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã?
Nội dung chính
Bỏ thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã?
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2025.
Căn cứ tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
(1) Hiến pháp.
(2) Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
(3) Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(4) Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
(5) Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(6) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(7) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
(8) Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.
(9) Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
(10) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
(11) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(12) Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
(13) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
(14) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Từ ngày 01 04 2025, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có sự thay đổi quan trọng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
Cụ thể, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã và Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ không còn được công nhận là văn bản quy phạm pháp luật, đồng nghĩa với việc thẩm quyền ban hành các văn bản này của chính quyền cấp xã đã bị loại bỏ.
Bỏ thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã? (Hình từ Internet)
Quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt
Căn cứ theo Điều 52 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt như sau:
- Khi được cơ quan có thẩm quyền của Đảng đồng ý và trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự hoặc sự kiện bất khả kháng hoặc các vấn đề cấp bách, quan trọng, cần thiết của đất nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt.
- Đối với các vấn đề cấp bách, quan trọng, cần thiết của đất nước quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc soạn thảo, cơ quan thẩm định thực hiện việc thẩm định, cơ quan thẩm tra thực hiện việc thẩm tra.
- Đối với trường hợp khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc soạn thảo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ xem xét, thông qua.
- Hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 52 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 bao gồm tờ trình, dự thảo văn bản và các tài liệu khác (nếu có).