11:26 - 12/12/2024

Bị thu hồi đất mà không được báo trước thì cần phải làm gì?

Nhiều vụ việc người dân bị thu hồi đất mà không được báo trước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Vậy khi gặp phải tình huống này, cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Nội dung chính

    Quyền được biết của người dân khi Nhà nước thu hồi đất

    Ủy ban nhân dân có thẩm quyền thu hồi đất phải ban hành thông báo thu hồi đất trước khi ra quyết định thu hồi đất trong trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội.

    Điều này đã được nêu rõ tại khoản 1 Điều 85 Luật Đất đai 2024 thì trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có) biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm: lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; tiến độ thu hồi đất; kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    Theo đó, thông báo thu hồi đất phải được gửi đến người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có) theo thời hạn như sau:

    - Đối với đất nông nghiệp: Chậm nhất là 90 ngày trước khi ban hành quyết định thu hồi đất;

    - Đối với đất phi nông nghiệp: Chậm nhất 180 ngày trước khi ban hành quyết định thu hồi đất.

    Nội dung thông báo thu hồi đất phải bao gồm: Lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; tiến độ thu hồi đất; kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

    Tóm lại, trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội thì cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải thực hiện thông báo tới người có đất bị thu hồi trong thời gian quy định.

    Bị thu hồi đất mà không được báo trước thì cần phải làm gì?

    Như đã trình bày ở phần trên, trước khi ra quyết định thu hồi đất, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo về việc thu hồi đất tới người dân. Trường hợp không thực hiện thông báo theo quy định được xem là thu hồi đất không đúng quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 237 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.

    Theo đó, người sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi thu hồi đất của cơ quan Nhà nước khi chưa có thông báo thu hồi đất. Riêng đối với trường hợp khiếu nại thì theo Điều 83 Luật Đất đai 2024, tùy từng trường hợp cụ thể mà UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất.

    Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh tùy trường hợp sẽ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thu hồi đất lần đầu. Quy trình khiếu nại như sau:

    Bước 1. Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại

    Người khiếu nại gửi đơn và các tài liệu có liên quan tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất căn cứ chương 3 Luật Khiếu nại 2011.

    Bước 2. Thụ lý đơn

    Tại Điều 27 Luật Khiếu nại 2011 thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết; Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

    Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại

    Bước 4. Tổ chức đối thoại

    -Theo quy định tại Điều 30 Luật Khiếu nại 2011 thì trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

    - Việc đối thoại phải được lập thành biên bản, kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

    Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại

    Bị thu hồi đất mà không được báo trước thì cần phải làm gì?

    Bị thu hồi đất mà không được báo trước thì cần phải làm gì? (Hình ảnh từ internet)

    Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì phải làm gì?

    Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, người dân có quyền khởi kiện về hành vi thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo các bước sau:

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

    Bước 2: Nộp hồ sơ

    Người khởi kiện hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 83 Luật Đất đai 2024. Theo đó, thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:

    (1) UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất đối với: tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các trường hợp: 

    - Bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại Điều 81 Luật Đất đai 2024

    - Bị thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng quy định tại Điều 82 Luật Đất đai 2024.

    (2) UBND cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp:

    - Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh quy định tại Điều 78 Luật Đất đai 2024 và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 79 Luật Đất đai 2024 mà không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất;

    - Thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại Điều 81; và bị thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng theo Điều 82 Luật Đất đai 2024.

    Như vậy, so với Luật Đất đai 2013 thì thẩm quyền thu hồi đất quy định tại Luật Đất đai 2024 được giao cho UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện không còn thực hiện tùy theo từng đối tượng sử dụng đất nữa mà thay vào đó là nguyên nhân bị thu hồi đất.

    Bước 3:  Giải quyết yêu cầu khởi kiện

    - Tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong 03 ngày kể từ ngày được phân công, thẩm phán tiến hành xem xét quyết định có thụ lý vụ án hay không.

    - Thời hạn chuẩn bị xét xử cho các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau: Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

    - Thẩm phán sẽ dựa trên các tài liệu, chứng cứ được các bên cung cấp hoặc tài liệu, chứng cứ tự mình thu thập được để đưa ra quyết định cuối cùng.

    Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án sơ thẩm tuyên án, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo để giải quyết vụ việc theo thủ tục phúc thẩm theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

    Chuyên viên pháp lý Sằn Ửng Moi
    54
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ