Áp dụng mức bồi dưỡng 350.000 đồng cho đối tượng thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ sau chiến tranh
Nội dung chính
Chế độ bồi dưỡng cho đối tượng trực tiếp khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ sau chiến tranh từ 01/12/2024
Tại Điều 3 Quyết định 16/2024/QĐ-TTg thì chế độ bồi dưỡng cho đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh như sau:
Đối tượng trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật, được hưởng mức bồi dưỡng 350.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.
Trong ngày thực tế làm việc, nếu thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ dưới 04 giờ thì được tính bằng một nửa ngày; từ đủ 04 giờ trở lên được tính 01 ngày.
So với Quyết định 122/2007/QĐ-TTg được sửa đổi bởi Quyết định 30/2013/QĐ-TTg, quy định mới đã không còn quy định mức hưởng sinh hoạt phí. Thay vào đó, đối tượng khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh sẽ được hưởng mức bồi dưỡng.
Áp dụng mức bồi dưỡng 350 000 đồng cho đối tượng thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ sau chiến tranh (Ảnh từ Internet)
Đối tượng nào được hưởng mức bồi dưỡng này?
Căn cứ Điều 2 Quyết định 16/2024/QĐ-TTg thì các đối tượng sau được hưởng mức bồi dưỡng này là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.
Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ bồi dưỡng này như thế nào?
Tại Điều 4 Quyết định 16/2024/QĐ-TTg thì nguồn kinh phí để thực hiện chế độ bồi dưỡng này như sau:
Nguồn kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng đối với đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh được tính trong chi phí của dự án theo đơn giá nhân công trên 01 (một) héc-ta diện tích quy định cho khu vực khảo sát rà phá bom, mìn, vật nổ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều tra, khảo sát và thực hiện rà soát bom mìn vật nổ sau chiến tranh quy định như thế nào?
Tại Điều 21, 22 Nghị định 18/2019/NĐ-CP thì việc điều tra, khảo sát và thực hiện rà soát bom mìn vật nổ sau chiến tranh quy định như sau:
(1) Điều tra, khảo sát bom mìn vật nổ sau chiến tranh
- Điều tra, khảo sát là hoạt động bắt buộc nhằm thu thập các thông tin về tình trạng ô nhiễm bom mìn vật nổ và phải được thực hiện trước khi lập dự án, hạng mục rà phá bom mìn vật nổ.
- Thông tin thu thập từ các hoạt động điều tra, khảo sát phải được gửi về Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia để lưu giữ và lập bản đồ khu vực bị ô nhiễm bom mìn vật nổ. Các thông tin từ các cuộc điều tra, khảo sát trước đó phải được thu thập và sử dụng như thông số kỹ thuật trong quá trình điều tra, khảo sát và lập dự án rà phá bom mìn vật nổ.
- Các tổ chức khi thực hiện điều tra, khảo sát bom mìn vật nổ sau chiến tranh phải áp dụng đầy đủ Tiêu chuẩn quốc gia về điều tra, khảo sát ô nhiễm bom mìn vật nổ, phải cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan, chia sẻ thông tin cho chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức khi có yêu cầu theo quy định và phải chịu trách nhiệm pháp lý, bồi thường thiệt hại do sai lệch về kết quả điều tra, khảo sát gây ra.
(2) Thực hiện rà phá bom mìn vật nổ sau chiến tranh
- Các tổ chức rà phá bom mìn vật nổ phải căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát và yêu cầu về độ sâu cần rà phá bom mìn vật nổ của từng dự án cụ thể để xây dựng phương án kỹ thuật thi công; việc bố trí trang thiết bị thi công và nhân lực bố trí trên công trường phải phù hợp với phương án kỹ thuật thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chỉ được tiến hành thực hiện rà phá bom mìn vật nổ sau khi chủ đầu tư hoặc cơ quan được chủ đầu tư ủy quyền tổ chức kiểm tra điều kiện thi công tại hiện trường và cho phép khởi công.
- Các đơn vị, tổ chức rà phá bom mìn vật nổ phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân địa phương nơi thực hiện rà phá bom mìn vật nổ phải báo cáo kế hoạch thực hiện, phương án ứng phó sự cố bom mìn vật nổ, kế hoạch vận chuyển và tiêu hủy bom mìn vật nổ và kết quả dự án rà phá bom mìn vật nổ với chính quyền địa phương cấp huyện.
Thu gom, vận chuyển, tiêu hủy bom mìn vật nổ sau chiến tranh quy định như thế nào?
Tại Điều 23 Nghị định 18/2019/NĐ-CP thì việc thu gom, vận chuyển, tiêu hủy bom mìn vật nổ sau chiến tranh quy định như sau:
- Bom mìn vật nổ tìm được trong quá trình thi công điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ sau chiến tranh phải được quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bom mìn vật nổ và mua bán các loại vật liệu, phế liệu sau xử lý bom mìn vật nổ, trừ các hoạt động thực hiện nhiệm vụ quân sự, an ninh
- Việc tiếp nhận thu gom, bảo quản, thanh lý tiêu hủy bom mìn vật nổ sau chiến tranh thu hồi được hoặc do cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội chuyển giao cho Bộ Quốc phòng phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, bảo vệ môi trường và thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Quyết định 16/2024/QĐ-TTg sẽ có hiệu lực từ 01/12/2024