Xem gặp nhau cuối năm 2025 ở đâu?
Nội dung chính
Gặp nhau cuối năm 2025 khi nào phát sóng?
“Gặp nhau cuối năm 2025 – Táo quân 2025” tiếp tục là chương trình được khán giả cả nước mong chờ mỗi dịp Tết đến xuân về. Qua nhiều năm phát sóng, Táo quân đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, gắn liền với không khí nhộn nhịp, rộn ràng khi năm cũ sắp khép lại.
Đây không chỉ là sân chơi nơi các nghệ sĩ thể hiện tài năng qua những màn tung hứng dí dỏm, mà còn là dịp tổng kết lại những vấn đề nổi cộm, sự kiện nổi bật của xã hội suốt năm qua.
Theo kế hoạch, “Gặp nhau cuối năm 2025 – Táo quân 2025” dự kiến được phát sóng vào lúc 20h00 ngày 28/01/2025 (tức 29 Tết âm lịch) trên các kênh truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Thời khắc trước giao thừa này vốn được xem là thời điểm cả gia đình quây quần bên nhau, vừa chuẩn bị đón năm mới, vừa theo dõi chương trình như một cách thư giãn, nhìn lại chặng đường năm cũ với góc nhìn hài hước, châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Xem gặp nhau cuối năm 2025 ở đâu? (Hình từ Internet)
Xem gặp nhau cuối năm 2025 ở đâu? Gặp nhau cuối năm 2025 có ai tham gia?
Như đã nêu trên, Gặp nhau cuối năm 2025 – Táo quân 2025 sẽ được phát sóng trên các kênh truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Bạn hoàn toàn có thể xem chương trình trên truyền hình hoặc xem trực tuyến trên các trang web chính thức của VTV.
Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2025 tiếp tục quy tụ loạt nghệ sĩ quen thuộc đã gắn bó với chương trình suốt hơn hai thập kỷ, gồm NSND Tự Long, NSND Quốc Khánh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng và nghệ sĩ Vân Dung.
Chương trình năm nay cũng đón chào những gương mặt mới như Duy Hưng, Anh Thơ, Thái Sơn, Thanh Hương… nhằm thổi làn gió tươi trẻ vào không khí hài kịch của đêm cuối năm.
Phiên bản 2025 mang đến những vấn đề, sự kiện nổi bật trong xã hội được lồng ghép một cách duyên dáng và hài hước. Thiên đình đối mặt với chủ trương sáp nhập, tinh giản bộ máy, trong khi câu chuyện quay phim vi phạm giao thông cũng được đưa lên sân khấu qua lăng kính châm biếm.
Bên cạnh đó, nạn tham nhũng, lãng phí được xử lý thẳng thắn, xuyên suốt các màn đối đáp giữa các Táo. Những cụm từ gây “sốt” thời gian gần đây trên mạng xã hội như “hồng hài nhi”, “nín…” cũng góp phần tạo nên không khí mới mẻ, sôi nổi cho Táo quân 2025.
Làm thêm vào đêm giao thừa 2025 thì được hưởng lương bao nhiêu?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, cụ thể như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, bạn làm thêm vào đêm giao thừa 2025 thì sẽ được hưởng ít nhất bằng 490% tiền lương.
Những ngày làm thêm trong Tết có được tính thành ngày nghỉ bù sau Tết không?
Căn cứ Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng tuần như sau:
Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Quy định trên nêu rất rõ, chỉ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần (thường là ngày chủ nhật) nếu ngày nghỉ này trùng vào khoảng thời gian nghỉ Tết.
Như vậy, những ngày làm thêm trong Tết sẽ không được tính thành ngày nghỉ bù sau Tết.
Tuy nhiên, vấn đề này còn tuỳ thuộc từng quy định, thoả ước lao động tập thể và chính sách của từng công ty. Do đó, hãy tìm hiểu thật kỹ những quy định làm việc để có câu trả lời chính xác nhất.