Khi nào cơ quan nhà nước nghỉ Tết Âm lịch 2025?
Nội dung chính
Khi nào cơ quan nhà nước nghỉ Tết Âm lịch 2025?
Ngày 26/11/2024, Chính phủ ban hành Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024 về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn 5152/BLĐTBXH-CATLĐ ngày 22/10/2024 và Công văn 5621/BLĐTBXH-CATLĐ ngày 08/11/2024 về phương án về việc nghỉ Tết Âm lịch và các ngày lễ khác trong năm.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 03/12/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Theo Thông báo, cơ quan nhà nước nghỉ Tết Âm lịch 2025 từ thứ Bảy ngày 25/01/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 Dương lịch (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Bên cạnh đó, đối với người lao động khác thì người sử dụng lao động sẽ quyết định thời điểm bắt đầu nghỉ tết Âm lịch dựa trên các phương án:
- 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ 2025.
- 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ 2025.
- 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ 2025.
- Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết, được nghỉ bù theo Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
Khi nào cơ quan nhà nước nghỉ Tết Âm lịch 2025? (Hình từ Internet)
Người lao động trong cơ quan nhà nước nghỉ tết, lễ hưởng nguyên lương vào những ngày nào trong năm 2025?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định những ngày nghỉ lễ, tết của người lao động trong năm 2025 bao gồm:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (01/01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (30/4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (01/5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (10/3 âm lịch).
Ngoài ra, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ nêu trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
Bên cạnh đó, đối với Tết Âm lịch và ngày Quốc khánh hằng năm sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ.
Người lao động trong cơ quan nhà nước nghỉ hằng năm bao nhiêu ngày?
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng năm như sau:
- Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một cơ quan nhà nước thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một cơ quan nhà nước thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
- Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được cơ quan nhà nước thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
- Cơ quan nhà nước có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với cơ quan nhà nước để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
- Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019.
- Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều 113 Bộ luật Lao động 2019.
Tiền thưởng Tết bằng hiện vật là vàng thì tính thuế TNCN như thế nào?
Căn cứ Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền thưởng Tết như sau:
- Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Căn cứ Điều 6 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 về quy đổi thu nhập chịu thuế ra Đồng Việt Nam như sau:
Quy đổi thu nhập chịu thuế ra Đồng Việt Nam
...
2. Thu nhập chịu thuế nhận được không bằng tiền phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ đó hoặc sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh thu nhập.
Theo đó, thưởng Tết bằng hiện vật là vàng phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo giá thị trường của vàng tại thời điểm phát sinh thu nhập.
Như vậy, sau khi quy đổi thưởng Tết bằng hiện vật là vàng ra Đồng Việt Nam thì việc tính thuế TNCN đối với thưởng Tết bằng hiện vật là vàng tương tự như cách tính thuế TNCN đối với tiền thưởng tết.