11:01 - 09/11/2024

Xe cứu thương được hú còi ưu tiên khi nào?

Tôi được biết xe cứu thương chỉ được ưu tiên khi thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, vậy trường hợp sử dụng trong các công việc khác thì có bị xử phạt không?

Nội dung chính

    Xe cứu thương được hú còi ưu tiên khi nào?

    Tại mục III Thông tư số 16/1998/TT-BYT ngày 15/12/1998 ôtô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích:

    - Chuyển chở, cấp cứu bệnh nhân.

    - Trong trường hợp khẩn cấp, có thể dùng xe ôtô cứu thương chở thuốc, thầy thuốc, nhân viên y tế và các nhu cầu cấp thiết khác cho việc phòng và dập tắt các dịch bệnh ở các nơi xa bệnh viện.

    - Nghiêm cấm việc sử dụng xe ôtô cứu thương để chuyên chở hàng hóa, hành khách và dịch vụ kinh doanh khác.

    - Các đơn vị sử dụng xe cứu thương sai mục đích, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự, bao gồm:

    a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

    b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

    c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu…

    Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 3 Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 1/12/2009 quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên “xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu".

    Theo các quy định trên, xe cứu thương chỉ được ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu; khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

    Đối với trường hợp sử dụng xe cứu thương chở người đi làm các công việc khác như đi tham quan du lịch, đi đám cưới…. sẽ không được hưởng quyền ưu tiên vì sử dụng sai mục đích. Bởi vậy, cần phải xem xét trong quá trình sử dụng sai mục đích, xe này có hú còi, vượt đèn đỏ hay không. Nếu có những hành vi vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, cụ thể:

    Theo điểm h khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe không được quyền ưu tiên mà sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên thì sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

    Ngoài ra, nếu trong quá trình sử dụng sai mục đích, xe cứu thương này còn bị phát hiện mắc thêm các lỗi vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ như chạy quá tốc độ, đi sai làm đường, vượt đèn đỏ… thì người điều khiển, người ngồi trên xe sẽ tiếp tục bị xử phạt theo quy định tại Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Ví dụ như:

    - Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h; bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

    - Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.

    Hiện nay, pháp luật chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với việc xe cứu thương sử dụng sai mục đích. Vì vậy, trong trường hợp xe cứu thương là xe của Nhà nước thì khi sử dụng sai mục đích có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 192/2013/NĐ– CP ngày 21/11/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước. Xe cứu thương của đơn vị tư nhân nếu sử dụng sai mục đích có thể bị xử phạt theo quy định của đơn vị quản lý.

    Trên đây là quy định về trường hợp xe cứu thương được hú còi ưu tiên. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

    Trân trọng!

    31