Thông tư 16/1998/TT-BYT quy định việc nhập khẩu, quản lý và sử dụng xe ôtô cứu thương do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 16/1998/TT-BYT |
Ngày ban hành | 15/12/1998 |
Ngày có hiệu lực | 30/12/1998 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Đỗ Nguyên Phương |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/1998/TT-BYT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1998 |
QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG XE ÔTÔ CỨU THƯƠNG
Ngày 12/1/1994, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 19/BYT - TT "Quy định việc quản lý và sử dụng xe ôtô cứu thương". Sau một thời gian triển khai thi hành nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng việc nhập khẩu và chưa sử dụng đúng mục đích xe ôtô cứu thương, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng không tốt đến nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh.
Để khắc phục các tồn tại trên, Bộ Y tế quy định việc nhập khẩu và sử dụng xe ôtô cứu thương như sau:
1.1 Xe ôtô cứu thương là xe chuyên dùng được sử dụng trong ngành y tế thuộc loại trang thiết bị y tế quy định tại Điều 1, Thông tư số 14/1998/TT - BYT ngày 17/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
1.2- Việc nhập khẩu, mua, bán, sử dụng xe ôtô cứu thương phải thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng các quy định của pháp luật và các quy định của Bộ Y tế.
II- VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG XE ÔTÔ CỨU THƯƠNG:
2.1- Các đơn vị được sử dụng xe ôtô cứu thương.
a/ Các bệnh viện, các viện nghiên cứu có giường bệnh, trung tâm, trạm cấp cứu.
b/ Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, y tế các ngành có nhu cầu sử dụng xe ôtô cứu thương.
2.2 Ngoài các trường hợp nêu trên, Bộ Y tế sẽ xem xét và cho phép sử dụng xe ôtô cứu thương trong từng trường hợp đặc biệt, có nhu cầu cần thiết.
III - VIỆC NHẬP KHẨU XE ÔTÔ CỨU THƯƠNG:
3.1 - Các doanh nghiệp được xuất nhập khẩu trực tiếp và kinh doanh TTBYT được Bộ Y tế xác nhận nhập khẩu mặt hàng xe ôtô cứu thương, mới được phép nhập khẩu.
3.2- Các loại xe ôtô cứu thương nhập khẩu phải có các thiết bị chuẩn theo quy định của Bộ Y tế duyệt theo tình hình thực tế và sự tiến bộ khoa học kỹ thuật.
3.3- Xe ôtô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích:
- Chuyển chở, cấp cứu bệnh nhân.
- Trong trường hợp khẩn cấp, có thể dùng xe ôtô cứu thương chở thuốc, thầy thuốc, nhân viên y tế và các nhu cầu cấp thiết khác cho việc phòng và dập tắt các dịch bệnh ở các nơi xa bệnh viện.
3.4 - Nghiêm cấm việc sử dụng xe ôtô cứu thương để chuyên chở hàng hóa, hành khách và dịch vụ kinh doanh khác.
3.5 - Xe ô tô cứu thương phải để thường trực tại đơn vị sử dụng xe, được bảo quản và bảo dưỡng thường xuyên theo quy định.
3.6 - Các đơn vị sử dụng xe cứu thương sai mục đích, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
IV - ĐIỀU CHUYỂN, BÁN VÀ THANH LÝ XE:
Việc điều chuyển, bán và thanh lý xe ôtô cứu thương không còn giá trị sử dụng, các đơn vị phải tiến hành theo quy định tại Quyết định số 1163 TC/QLCS ngày 21/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành "Quy chế xử lý tài sản không cần dùng và không còn sử dụng được trong các cơ quan hành chính sự nghiệp", và Thông tư 43TC/QLCS ngày 31/7/1996 "Hướng dẫn việc tiếp nhận và bàn giao tài sản giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền".
Giao cho Ông Vụ trưởng Vụ TTB-CTYT chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 19/BYT-TT ngày 12/11/1994 của Bộ trưởng Bộ Y tế "Quy định việc quản lý và sử dụng xe ôtô cứu thương". Nhận được thông tư này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TW, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Thủ trưởng y tế ngành chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc thực hiện, trong qúa trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo về Bộ Y tế (Vụ TTB-CTYT) để nghiên cứu và giải quyết.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
Y TẾ |