11:21 - 13/11/2024

Xác định tư cách tố tụng trong vụ án hình sự

Trong trường hợp tôi là người tố cáo, Cơ quan Điều tra kết luận tôi là người bị hại, Viện Kiểm sát kết luận tôi là người bị hại, Tòa án tuyên án tôi chỉ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tôi không đồng ý với kết luận của Tòa. Như vậy tôi có được kháng cáo theo góc độ mình là người bị hại hay không?

Nội dung chính

    Xác định tư cách tố tụng trong vụ án hình sự

    Người bị hại theo Khoản 1 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người mà quyền và lợi ích của họ bị ảnh hưởng trong một vụ án hình sự.

    Giữa người có quyền và lợi ích liên quan với người bị hại phân biệt với nhau qua thiệt hại bị bị can, bị cáo xâm hại. Với người bị hại là thiệt hại gây ra do hành vi xâm phạm trực tiếp còn đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì không phải là thiệt hại trực tiếp. 

    Việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng được coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến thủ tục tố tụng. Bởi lẽ, theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC thì:

    "Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. 

    Như thế, việc xác định sai tư cách tố tụng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. 

    Khi thẩm phán xác định sai tư cách tố tụng của người bị hại và người có quyền và nghĩa vụ liên quan, thì bạn có quyền:

    + Kiến nghị thẩm phán tòa án án để yêu cầu xác định lại;

    + Nếu kiến nghị không được chấp nhận thì bạn có quyền kháng cáo với bản án của Tòa án;

    + Nếu kháng cáo không được giải quyết hoặc quá thời hạn kháng cáo thì bạn có quyền kiến nghị đến một trong các chủ thể theo Điều 275 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để thực hiện kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

    1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

    2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

    3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.

    Dựa trên căn cứ kháng nghị theo Điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự 2003:

    1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

    2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

    3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

    4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

    Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xác định tư cách tố tụng trong vụ án hình sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để nắm rõ quy định này.

     

    4