Từ 2025, có bắt buộc phải gắn 2 gương chiếu hậu xe máy không?
Nội dung chính
Từ 2025, có bắt buộc phải gắn 2 gương chiếu hậu xe máy không?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;
...
Theo đó, xe máy phải bắt buộc có gương chiếu hậu bên trái của người lái xe. Trường hợp người lái xe điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái (hoặc có nhưng không có tác dụng) thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Như vậy, từ năm 2025, không bắt buộc phải gắn 2 gương chiếu hậu xe máy, chỉ bắt buộc phải có gương chiếu hậu bên trái để đảm bảo tầm nhìn cho người lái xe.
Tuy nhiên, việc gắn gương chiếu hậu xe máy cũng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định.
Từ 2025, có bắt buộc phải gắn 2 gương chiếu hậu xe máy không? (Hình từ Internet)
Gắn gương chiếu hậu xe máy như nào cho đúng?
Căn cứ tiết 1.3.3 tiểu mục 1.3 Mục 1 và tiểu mục 2.11 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2024/BGTVT có quy định về gương chiếu hậu quy định như sau:
- Đối với xe gắn máy hai bánh, ba bánh phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái.
- Đối với xe nhóm xe mô tô hai bánh, ba bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên) và xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái.
- Gương chiếu hậu sử dụng lắp trên xe phải đáp ứng được các yêu cầu trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 28:2024/BGTVT.
- Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh được vùng quan sát tại vị trí lái.
- Bề mặt phản xạ của gương chiếu hậu phải có dạng hình lồi và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái hoặc tâm bề mặt phản xạ của gương phải cách mặt phẳng trung tuyến dọc của xe một khoảng tối thiểu là 280 mm.
- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.
- Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm và phải nằm trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.
Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là bao lâu?
Căn cứ Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn nộp phạt như sau:
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
- Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.
Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân.
- Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.