Đề xuất tăng gấp 6 lần mức phạt sử dụng điện thoại tại cây xăng
Nội dung chính
Bộ Công an công bố Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Dự thảo lần 2).
Đề xuất tăng gấp 6 lần mức phạt sử dụng điện thoại tại cây xăng
Căn cứ Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định như sau:
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 11 Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Dự thảo lần 2), Bộ Công an đề xuất như sau:
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm;
b) Hàn, cắt mà không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với các hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này khi để xảy ra cháy.
Căn cứ Điều 12 Thông tư 15/2020/TT-BCT quy định tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.
Theo đó, mức phạt Bộ Công an đề xuất tăng mạnh đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy. Trong đó có hành vi sử dụng điện thoại tại nơi có quy định cấm.
- Đối với hành vi mang điện thoại vào cây xăng: Đề xuất tăng mức phạt từ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng lên thành từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Đối với hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng: Đề xuất tăng mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng lên thành từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Trường hợp để xảy ra cháy thì đề xuất mức phạt là 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Lưu ý: Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Dự thảo lần 2) chưa chính thức áp dụng mà đang trong quá trình lấy ý kiến.
Đề xuất tăng gấp 6 lần mức phạt sử dụng điện thoại tại cây xăng (Hình từ Internet)
Hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau:
Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, trường hợp sử dụng điện thoại tại cây xăng mà dẫn tới cháy nổ gây thiệt hại về người và của thuộc các trường hợp nêu trên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù.
Nguyên tắc phòng cháy chữa cháy bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 4 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định nguyên tắc phòng cháy chữa cháy bao gồm:
- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
- Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.
- Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
- Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.