Mức phạt lỗi điều khiển xe để đẩy xe của người khác từ năm 2025
Nội dung chính
Mức phạt lỗi điều khiển xe để đẩy xe của người khác từ năm 2025
Mức phạt lỗi điều khiển xe để đẩy xe của người khác năm 2025 sẽ áp dụng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP với mức phạt của từng loại phương tiện như sau:
(1) Đối với ô tô
Căn cứ điểm h khoản 3; điểm a khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt lỗi điều khiển xe để đẩy xe của người khác đối với xe ô tô như sau:
Người nào điều khiển xe ô tô đẩy xe của người khác thì phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng và trừ 02 điểm giấy phép lái xe.
Theo điểm b khoản 10; điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, trường hợp điều khiển xe ô tô đẩy xe khác của người khác mà gây tai nạn giao thông thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng và trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
(2) Đối với xe mô tô, xe gắn máy
Theo Điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, quy định mức phạt lỗi điều khiển xe để đẩy xe của người khác đối với xe mô tô, xe gắn máy như sau:
Người nào điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe đẩy xe của người khác thì phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
Theo điểm b khoản 10; điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, trường hợp điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe đẩy xe của người khác mà gây tai nạn giao thông thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Ngoài ra, nếu người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy là người có hành vi đẩy xe của người khác thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
(3) Đối với xe đạp, xe đạp máy:
Theo điểm c khoản 2 Điều 9 và điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe đẩy xe của người khác đối với xe đạp, xe đạp máy bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.
Đồng thời, đối với người được chở trên xe đạp, xe đạp máy là người có hành vi đẩy xe của người khác thì người này sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng.
Mức phạt lỗi điều khiển xe để đẩy xe của người khác từ năm 2025 (Hình từ Internet)
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển xe để đẩy xe của người khác là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế
...
Theo đó, căn cứ theo quy định nêu trên thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển xe để đẩy xe của người khác là 01 năm.
Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ năm 2025
Căn cứ Điều 3 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2025 phải tuân thủ các nguyên tắc như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân.
- Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.