Vạch xương cá là gì? Vạch xương cá trên đường để làm gì?
Nội dung chính
Vạch xương cá là gì? Vạch xương cá trên đường để làm gì?
Hiện nay, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và các văn bản liên quan không có định nghĩa cụ thể thế nào là "vạch xương cá"
Theo quy định tại Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 51/2024/TT-BGTVT thì vạch xương cá hay vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông giao thông trên đường.
Khi vạch xương cá được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, quy cách của vạch xương cá được quy định như sau:
- Vạch xương cá bao gồm các vạch liền nét, màu trắng được vẽ song song, mỗi vạch rộng 45 cm, khoảng cách hai mép vạch 100 cm, vạch nghiêng một góc 135o theo chiều ngược chiều kim đồng hồ so với hướng chuyển động của xe.
- Vạch xác định phạm vi kẻ vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V là vạch đơn liền nét, màu trắng.
- Vạch này có bề rộng nét vẽ b = 20 cm.
Vạch xương cá là gì? Vạch xương cá trên đường để làm gì? (Hình từ Internet)
Lỗi đè vạch xương cá bị phạt bao nhiêu?
Mức phạt đối với lỗi đè vạch xương cá là mức phạt của lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn vạch kẻ đường như sau:
Đối tượng | Mức phạt |
Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô | Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy | Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (Theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Người điều khiển xe máy chuyên dùng | Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác | Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (Theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Người đi bộ | Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng (Theo điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Lưu ý:
- Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ xảy ra và kết thúc trước ngày Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sau đó mới được phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng nghị định định có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý.
- Trường hợp hành vi vi phạm chính đang được thực hiện, thì áp dụng nghị định định có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử lý. (Theo Điều 54 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Quy định chung và phân loại vạch kẻ đường?
Quy định chung đối với vạch kẻ đường được quy định tại Điều 48 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 51/2024/TT-BGTVT như sau:
(1) Vạch kẻ đường để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe.
(2) Vạch kẻ đường được dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.
(3) Vạch kẻ đường bao gồm các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường xe chạy, trên thành vỉa hè, trên các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường để quy định trật tự giao thông, khổ giới hạn của các công trình giao thông, chỉ hướng đi quy định của làn đường xe chạy.
(4) Vạch kẻ đường phải bảo đảm cho xe chạy trên đường êm thuận, đảm bảo độ bám giữa lốp xe và mặt đường, không bị trơn trượt, không cao quá mặt đường 6 mm.
(5) Khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường phải đảm bảo phù hợp về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và căn cứ vào chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định.
(6) Đối với đường cao tốc, đường có tốc độ thiết kế ≥ 60 km/h và các đường có tốc độ V85 từ 80 km/h trở lên, vạch kẻ đường phải có vật liệu phản quang. Các loại đường khác, căn cứ theo khả năng tài chính và yêu cầu khác mà có thể sử dụng vật liệu phản quang.
Phân loại vạch kẻ đường được quy định tại Điều 49 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 51/2024/TT-BGTVT như sau:
- Dựa vào vị trí sử dụng, vạch kẻ đường được chia thành hai loại: vạch trên mặt bằng (bao gồm vạch trên mặt đường: vạch dọc đường, ngang đường và những loại vạch khác) và vạch đứng.
+ Vạch trên mặt bằng dùng để quy định các phần đường khác nhau trên mặt bằng có màu trắng trừ một số vạch quy định ở Phụ lục G có màu vàng. Trong một số trường hợp có thể sử dụng các màu sắc khác để nâng mức độ cảnh báo giao thông trên mặt đường.
+ Vạch đứng kẻ trên thành vỉa hè, các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường. Loại vạch này kết hợp giữa vạch vàng và vạch đen hoặc vạch trắng và vạch đỏ.
- Dựa vào phương pháp kẻ, vạch kẻ đường được chia thành ba loại như sau:
+ Vạch dọc đường là vạch kẻ dọc theo hướng xe chạy trên đường;
+ Vạch ngang đường là vạch kẻ có hướng cắt ngang đường hoặc hình thành một góc chéo với hướng xe chạy;
+ Các loại vạch khác là các loại ký hiệu chữ hoặc hình thức khác.
- Dựa vào chức năng, ý nghĩa sử dụng, vạch kẻ đường gồm: vạch hiệu lệnh, vạch cảnh báo, vạch chỉ dẫn, vạch giảm tốc độ.
- Dựa vào hình dáng, kiểu, vạch kẻ đường được chia thành hai loại sau:
+ Vạch trên mặt đường, trên thành vỉa hè (bó vỉa) hoặc ở ranh giới phân cách làn xe, gồm vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc;
+ Ký hiệu chữ và ký hiệu hình gồm chữ cái, chữ số hoặc hình vẽ trên mặt đường.
Lưu ý: Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự như sau:
- Khi đồng thời có, bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
+ Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
+ Tín hiệu đèn giao thông;
+ Biển báo hiệu đường bộ;
+ Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;
+ Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H;
+ Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
- Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.