Lễ khai hạ là gì? Diễn ra vào thời điểm nào trong năm?
Nội dung chính
Ý nghĩa của lễ khai hạ là gì?
Lễ khai hạ là nghi thức tiễn đưa gia tiên, thần linh và các vị thánh thần sau những ngày về ăn Tết cùng con cháu.
Sau khi đã chia sẻ những ngày Tết vui vẻ và đầy ắp niềm vui cùng gia đình, các vị thần linh và tổ tiên sẽ quay lại với cõi âm, nhường lại không gian cho gia chủ để bắt đầu công việc, cuộc sống mới sau Tết.
Phong tục khai hạ không chỉ mang ý nghĩa tiễn đưa mà còn là hành động dọn dẹp, thanh tẩy để chào đón những điều tốt lành, may mắn trong năm mới.
Theo quan niệm dân gian, việc tiễn đưa tổ tiên, thần linh sẽ giúp xua tan những vận xui, những điều không may của năm cũ, tạo điều kiện cho sự thịnh vượng, bình an trong năm mới.
Bên cạnh đó, cây nêu được dựng lên từ những ngày Tết cũng có vai trò quan trọng trong lễ khai hạ. Cây nêu là biểu tượng của sự bảo vệ gia đình khỏi tà ma, đồng thời là biểu tượng của sự tươi mới, sức sống và may mắn cho gia đình trong năm mới.
Khi đến lễ khai hạ, cây nêu được hạ xuống, báo hiệu rằng những điều không may mắn của năm cũ đã qua đi, và gia đình đã sẵn sàng đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.
Lễ khai hạ 2025 diễn ra vào ngày nào?
Lễ khai hạ truyền thống thường diễn ra vào mùng 7 Tết Nguyên Đán, ngày này cũng được coi là ngày cuối cùng của Tết. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều gia đình hiện nay không nhất thiết phải tổ chức lễ khai hạ đúng ngày mùng 7
Tết mà có thể linh hoạt cử hành nghi thức này từ mùng 3 đến mùng 10 tháng Giêng, tùy theo điều kiện gia đình và phong tục từng địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2025, lễ khai hạ sẽ rơi vào ngày mùng 7 tháng Giêng, tức là ngày 4 tháng 2 dương lịch. Đây là ngày mà các gia đình sẽ thực hiện nghi thức hạ cây nêu, tiễn gia tiên về trời và tổ chức lễ hóa vàng để khép lại những ngày Tết đầy đủ, tràn ngập không khí ấm áp, đồng thời cầu mong sự thịnh vượng cho cả năm.
Lễ khai hạ là gì? Diễn ra vào thời điểm nào trong năm? (Hình từ Internet)
Người lao động có được phép nghỉ hưởng lương vào lễ khai hạ không?
Căn cứ theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 về lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 đối với người lao động không thuộc đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thì doanh nghiệp có thể chọn các phương án nghỉ Tết Âm lịch 2025 như sau:
...
7. Đối với người lao động không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Thông báo này, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 như sau:
- Đối với dịp nghỉ tết Âm lịch: lựa chọn 01 ngày cuối năm Giáp Thìn và 04 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 02 ngày cuối năm Giáp Thìn và 03 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 03 ngày cuối năm Giáp Thìn và 02 ngày đầu năm Ất Tỵ.
- Đối với dịp nghỉ lễ Quốc khánh: thứ Ba ngày 02/9/2025 Dương lịch và lựa chọn 01 trong 02 ngày: thứ Hai ngày 01/9/2025 hoặc thứ Tư ngày 03/9/2025 Dương lịch.
- Thông báo phương án nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
- Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.
- Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Theo đó, lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ Tết Âm lịch 2025 như sau:
- Khuyến khích áp dụng lịch nghỉ như công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: được nghỉ 9 ngày, từ ngày 25/1/2025 - 2/2/2025 (nhằm 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng 2025).
- Không áp dụng lịch nghỉ như công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội:
+ Nghỉ 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ.
+ Nghỉ 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ.
+ Nghỉ 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ.
Như vậy, người lao động phải trở lại làm việc trễ nhất là mùng 6 âm lịch do đó vào lễ khai hạ người lao động sẽ không được nghỉ hưởng lương theo quy định pháp luật trừ trường hợp có thoả thuận khác với người sử dụng lao động.