Tổng hợp những lễ hội tháng Giêng ở ba miền
Nội dung chính
Những lễ hội tháng Giêng ở miền Bắc
Tháng Giêng, miền Bắc Việt Nam nhộn nhịp với hàng loạt lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Sau đây là những lễ hội tháng Giêng ở miền Bắc:
- Lễ hội Khai Ấn Đền Trần (Nam Định) được tổ chức vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ công lao Vương triều nhà Trần. Lễ hội mang ý nghĩa cầu quốc thái dân an, thu hút hàng vạn du khách thập phương.
- Lễ hội Lim (Bắc Ninh), diễn ra ngày 13 tháng Giêng, nơi du khách được hòa mình vào làn điệu quan họ độc đáo và tham gia các trò chơi dân gian như đấu vật, đu tiên.
- Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), khai hội ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến tháng 3 âm lịch, nổi tiếng là hành trình tâm linh khám phá cảnh sắc thiên nhiên tại quần thể Hương Sơn. Cũng tại Hà Nội, lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn) từ ngày 6 tháng Giêng là dịp tưởng nhớ Thánh Gióng, với các nghi thức rước lễ, dâng hương trang trọng.
- Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng, kéo dài suốt ba tháng xuân. Du khách tham gia hành trình leo núi lên chùa Đồng, tri ân Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trong khi đó, lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc) vào ngày 16-17 tháng Giêng tái hiện nét văn hóa dân gian cổ xưa từ thời Hùng Vương.
- Lễ hội chùa Keo (Thái Bình), tổ chức ngày mùng 4 tháng Giêng, tôn vinh Đức Thiền sư Không Lộ. Hội chợ Viềng (Nam Định) họp đêm mùng 7 và ngày mùng 8 mang ý nghĩa “mua may bán rủi” đầu năm. Bên cạnh đó, lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) ngày 14 tháng Giêng được nhiều người kinh doanh đến cầu tài lộc.
- Hội Xoan (Phú Thọ) từ ngày 7-10 tháng Giêng là dịp tưởng nhớ nữ tướng Xuân Nương thời Hai Bà Trưng, trong khi hội hoa Vị Khê (Nam Định) từ ngày 20-30 tháng Giêng tôn vinh nghệ thuật trồng cây cảnh truyền thống. Tất cả tạo nên bức tranh lễ hội rực rỡ và ý nghĩa đầu năm mới.
Tổng hợp những lễ hội tháng Giêng ở ba miền (Hình từ Internet)
Những lễ hội tháng Giêng ở miền Trung
Tháng Giêng, miền Trung sôi động với nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống. Sau đây là những lễ hội tháng Giêng ở miền Trung:
- Lễ hội đền vua Mai Hắc Đế (Nghệ An) diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng Giêng tại Nam Đàn, tưởng nhớ vua Mai Thúc Loan cùng các tướng lĩnh đã đánh bại giặc phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập. Lễ hội là điểm đến thu hút du khách đến dâng hương, cầu mong một năm bình an.
- Lễ hội vật ở làng Sình (Thừa Thiên Huế) tổ chức vào mùng 9-10 tháng Giêng, tại làng Lại Ân bên hữu ngạn sông Hương. Hội vật mang nét đặc trưng của người Việt, không nhằm tuyển chọn võ sĩ mà là hoạt động giải trí, tạo không khí vui tươi, sảng khoái sau Tết.
- Lễ hội cầu ngư (Thừa Thiên Huế) tại làng Thái Dương Hạ, Thuận An, tổ chức 3 năm một lần vào ngày 12 tháng Giêng. Lễ hội đã tồn tại hơn 500 năm, nhằm tưởng nhớ Trương Quý Công – người khai canh lập làng, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa và may mắn cho ngư dân.
- Tết Nguyên tiêu ở Hội An (Quảng Nam) diễn ra sau ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội này phản ánh sự giao thoa văn hóa độc đáo giữa Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản, mang đậm bản sắc của phố cổ Hội An.
Những lễ hội tháng Giêng ở miền Nam
Sau đây là những lễ hội tháng Giêng ở miền Nam:
- Lễ Nguyên Tiêu tại khu người Hoa (TP. Hồ Chí Minh): Vào dịp Rằm tháng Giêng, khu Chợ Lớn ở TP. Hồ Chí Minh trở nên nhộn nhịp khi người dân đi lễ chùa Hoa để cầu phúc, xin lộc cho năm mới. Bà con người Hoa còn có tục xin vay tiền tượng trưng từ các vị thần như Ông Bổn, Quan Công để buôn bán, làm ăn, và hoàn trả đầy đủ vào cuối năm.
- Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương): Lễ hội thu hút đông đảo khách hành hương, chủ yếu là người Việt gốc Hoa. Từ đêm 14 đến sáng 15, lễ cúng vía Bà được tổ chức trang nghiêm. Ngày 15, lễ rước kiệu Bà quanh TP. Thủ Dầu Một mang sắc thái truyền thống với đội múa lân và nghi thức cầu phúc, cầu lộc.
- Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh): Lễ hội Xuân tại núi Bà Đen kéo dài suốt tháng Giêng, bắt đầu từ mùng 4. Lễ hội nhằm tôn kính bà Lý Thị Thiên Hương, người được phong là “Linh Sơn Thánh Mẫu”. Sự kiện không chỉ đậm bản sắc dân tộc mà còn gửi gắm ước mong về một năm hạnh phúc, no ấm.
Người lao động được nghỉ ngày nào trong tháng Giêng năm 2025?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như về nghỉ lễ, tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Tháng Giêng năm 2025 bắt đầu từ ngày 29/01/2025 đến ngày 27/02/2025. Theo đó, người lao động được nghỉ ngày Tết Âm lịch trong tháng Giêng năm 2025.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 03/12/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Theo Thông báo, cơ quan nhà nước nghỉ Tết Âm lịch 2025 từ thứ Bảy ngày 25/01/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 Dương lịch (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Đối với người lao động khác thì người sử dụng lao động sẽ quyết định thời điểm bắt đầu nghỉ tết Âm lịch dựa trên các phương án:
- 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ 2025.
- 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ 2025.
- 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ 2025.
- Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết, được nghỉ bù theo Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, người lao động được nghỉ từ ngày 29/01/2025 (mùng 1 Tết) đến ngày 02/02/2025 (mùng 5 tháng Giêng) trong tháng Giêng năm 2025.