Đánh giá an toàn kết cấu công trình cấp độ 2 là gì? Đánh giá cấp độ 2 được thực hiện khi nào?
Nội dung chính
Đánh giá an toàn kết cấu công trình cấp độ 2 là gì? Đánh giá cấp độ 2 được thực hiện khi nào?
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 14/2024/TT-BXD về việc ban hành quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng, có hiệu lực thi hành từ 19/02/2025.
Trong đó, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng ban hành kèm theo Thông tư 14/2024/TT-BXD thì đánh giá an toàn kết cấu công trình cấp độ 2 là việc tổ chức đánh giá dùng các phương pháp phân tích, kiểm tra kết cấu để đánh giá an toàn kết cấu công trình căn cứ vào hồ sơ thiết kế xây dựng, bản vẽ hoàn công và các số liệu khảo sát hiện trạng công trình.
Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng ban hành kèm theo Thông tư 14/2024/TT-BXD, đánh giá an toàn kết cấu công trình cấp độ 2 được thực hiện trong các trường hợp như sau:
(1) Khi đánh giá cấp độ 1 có nghi ngờ về an toàn kết cấu công trình;
(2) Khi kết cấu công trình trong quá trình khai thác, sử dụng có dấu hiệu bất thường gây nguy cơ mất an toàn.
Đánh giá an toàn kết cấu công trình cấp độ 2 là gì? Đánh giá cấp độ 2 được thực hiện khi nào? (Hình từ Internet)
Quy định chung về đánh giá an toàn kết cấu công trình là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng ban hành kèm theo Thông tư 14/2024/TT-BXD, quy định chung về đánh giá an toàn kết cấu công trình như sau:
(1) Việc đánh giá an toàn kết cấu công trình phải áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn đang có hiệu lực ở thời điểm đánh giá, sử dụng số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng tại Việt Nam.
(2) Hồ sơ, tài liệu được sử dụng trong đánh giá an toàn công trình phải đảm bảo tính pháp lý theo quy định của pháp luật.
(3) Tổ chức đánh giá phải thu thập đủ thông tin cần thiết để thực hiện đánh giá an toàn công trình theo quy định tại quy trình này.
(4) Việc sửa chữa, gia cường kết cấu công trình phát sinh (nếu có) trong quá trình kiểm tra, đánh giá an toàn công trình phải tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng.
(5) Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại quy trình này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật mới nhất.
Nhà nước có những chính sách khuyến khích gì trong hoạt động đầu tư xây dựng?
Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nhà nước có những chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:
(1) Khuyến khích hoạt động đầu tư xây dựng nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng nhà ở xã hội; hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
(2) Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng thuộc các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng trước pháp luật, được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư xây dựng; ưu tiên nhà thầu có công trình được Nhà nước trao tặng giải thưởng chất lượng công trình xây dựng khi tham gia đấu thầu trong hoạt động xây dựng.
(3) Từng bước chuyển giao một số dịch vụ công do cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp có đủ khả năng, điều kiện đảm nhận.
(4) Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.