15:08 - 02/10/2024

Tổ chức pháp chế ở Bộ và cơ quan ngang Bộ thực hiện nghiệp vụ xây dựng pháp luật theo quy định nào?

Cho tôi hỏi, nghiệp vụ trong công tác xây dựng pháp luật của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào?

Nội dung chính

    Tổ chức pháp chế ở Bộ và cơ quan ngang Bộ thực hiện nghiệp vụ xây dựng pháp luật theo quy định nào?

    Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-BTP hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành thì nghiệp vụ trong công tác xây dựng pháp luật của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ được quy định cụ thể như sau:

    - Lập đề nghị, lập dự kiến và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ

    + Đề nghị và hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị có liên quan chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

    + Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đề nghị xây dựng nghị định trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Trong quá trình thực hiện việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đề nghị xây dựng nghị định nếu có ý kiến khác nhau, tổ chức pháp chế có thể xin ý kiến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan có sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để cho ý kiến thống nhất về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định;

    + Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để lấy ý kiến về tính hợp lý của nguồn tài chính, nguồn nhân lực dự kiến (nếu có);

    + Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Bộ Tư pháp lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp lập dự kiến chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ;

    + Chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình xây dựng nghị định và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

    + Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập đề nghị điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Bộ Tư pháp; lập đề nghị điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng nghị định trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp;

    + Chủ trì xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình xây dựng nghị định trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

    - Lập dự kiến chương trình và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, cơ quan ngang Bộ

    + Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị có liên quan lập dự kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

    + Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dài hạn và hàng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

    + Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập dự kiến điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dài hạn, hàng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định;

    + Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra về tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ và định kỳ báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

    - Xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

    + Xây dựng kế hoạch và tổ chức soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì soạn thảo. Trường hợp dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính, về vấn đề bình đẳng giới thì phải tổ chức đánh giá tác động về thủ tục hành chính và về vấn đề bình đẳng giới;

    + Tham gia soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc theo đề nghị của cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo;

    + Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo.

    - Chuẩn bị hồ sơ và thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

    + Chủ trì hoặc phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định việc tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tổ chức thẩm định theo thẩm quyền hoặc gửi Bộ Tư pháp thẩm định;

    + Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo trong việc lập hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Bản đánh giá về thủ tục hành chính, về vấn đề bình đẳng giới nếu trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính và về vấn đề bình đẳng giới;

    + Thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao chủ trì soạn thảo;

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Bộ Tư pháp thẩm định;

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    - Góp ý đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ góp ý đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức khác gửi xin ý kiến, trong đó có ý kiến về thủ tục hành chính, về vấn đề bình đẳng giới nếu trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính và về vấn đề bình đẳng giới;

    + Góp ý đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao chủ trì soạn thảo gửi xin ý kiến, trong đó có ý kiến về thủ tục hành chính, về vấn đề bình đẳng giới nếu trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính và về vấn đề bình đẳng giới.

    - Đàm phán, ký, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch dài hạn, hàng năm về việc đàm phán, ký, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp;

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xây dựng, đàm phán, góp ý dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị hồ sơ trình, báo cáo đàm phán, ký điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng lộ trình và biện pháp cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật;

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước trong trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế do Bộ, cơ quan ngang Bộ đề xuất ký kết hoặc gia nhập bị vi phạm;

    + Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng báo cáo về tình hình đàm phán, ký, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp.

    4