Thứ 7, Ngày 26/10/2024
08:38 - 24/09/2024

Tỉnh nào có nhiều thành phố nhất cả nước? Nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như thế nào?

Tỉnh nào có nhiều thành phố nhất cả nước? Và hiện nay, đơn vị hành chính được phân loại như thế nào?

Nội dung chính


    Tỉnh nào có nhiều thành phố nhất cả nước?

    Tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 1012/NQ/UBTVQH15 năm 2024 quyết nghị về việc thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương như sau:

    Thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

    1. Thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát:

    a) Thành lập phường An Điền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 31,22 km2 và quy mô dân số là 25.363 người của xã An Điền.

    Phường An Điền giáp các phường An Tây, Mỹ Phước, Thới Hòa, xã Phú An; huyện Bàu Bàng và huyện Dầu Tiếng;

    b) Thành lập phường An Tây trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 44,01 km2 và quy mô dân số là 41.917 người của xã An Tây.

    Phường An Tây giáp phường An Điền, xã Phú An; huyện Dầu Tiếng và Thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Thành lập thành phố Bến Cát trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 234,35 km2 và quy mô dân số là 364.578 người của thị xã Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.

    Thành phố Bến Cát giáp thành phố Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Thành phố Hồ Chí Minh.

    3. Sau khi thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương:

    a) Thành phố Bến Cát có 08 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 07 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An;

    b) Tỉnh Bình Dương có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 04 huyện và 05 thành phố; 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 39 xã, 47 phường và 05 thị trấn.

    Như vậy, tỉnh Bình Dương là tỉnh thành có nhiều thành phố nhất cả nước Việt Nam, có tổng cộng là 05 thành phố.

     

    Tỉnh nào có nhiều thành phố nhất cả nước? Đơn vị hành chính được phân loại như thế nào? (Hình từ Internet)

    Đơn vị hành chính được phân loại như thế nào?

    Căn cứ Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về phân loại đơn vị hành chính như sau:

    Phân loại đơn vị hành chính

    1. Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.

    2. Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo.

    3. Đơn vị hành chính được phân loại như sau:

    a) Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;

    b) Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;

    c) Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.

    4. Căn cứ vào quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng tiêu chí, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành chính.

    Như vậy, phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương.

    Hiện nay, việc phân loại đơn vị hành chính tại Việt Nam dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính. Theo đó phân loại đơn vị hành chính như sau:

    - Đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh;

    - Đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, loại 2 và loại 3;

    - Đơn vị hành chính cấp huyện loại 1, loại 2 và loại 3;

    - Đơn vị hành chính cấp xã loại 1, loại 2 và loại 3.

    Nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như thế nào?

    Tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi bởi khoản 30 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019; sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch 2017, nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như sau:

    - Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

    - Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

    + Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

    + Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

    + Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    + Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân.

    + Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.

    - Việc giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:

    - Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương hoặc của quốc gia.

    - Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó.