Tiêu chuẩn, trách nhiệm và chế độ chính sách với người tiếp công dân trong quân đội được quy định ra sao?
Nội dung chính
Tiêu chuẩn, trách nhiệm và chế độ chính sách với người tiếp công dân trong quân đội được quy định ra sao?
Căn cứ vào Điều 9, Điều 12 Thông tư 166/2021/TT-BQP (Có hiệu lực từ 01/02/2022) về tiêu chuẩn, trách nhiệm và chế độ chính sách của người tiếp công dân trong quân đội như sau:
- Tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của người tiếp công dân trong quân đội
+ Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; am hiểu thực tiễn; có phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng; có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao.
+ Nắm vững đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chế độ, quy định của Bộ Quốc phòng; thực hiện trách nhiệm của người tiếp công dân theo quy định tại Điều 8 Luật Tiếp công dân năm 2013 và Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
+ Chỉ được tiếp công dân tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị và được từ chối tiếp công dân theo quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân năm 2013.
- Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại nơi tiếp công dân
Người làm công tác tiếp công dân, người được cấp có thẩm quyền mời hoặc giao nhiệm vụ tiếp công dân và các lực lượng khác được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, y tế tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được hưởng chế độ bồi dưỡng tiếp công dân và các chính sách, chế độ khác theo quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng.