Thời gian phải báo cáo tai nạn lao động là khi nào? Công ty chậm báo cáo tình hình tai nạn lao động thì bị xử phạt như thế nào?
Nội dung chính
Thời gian phải báo cáo tai nạn lao động là khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động phải thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng tại cơ sở của mình và định kỳ 06 tháng, hằng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Theo đó, thời điểm mà người sử dụng lao động phải gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động như sau:
- Trước ngày 05/7 hằng năm đối với báo cáo 06 tháng đầu năm;
- Trước ngày 10/01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu.
Như vậy, hằng năm, người sử dụng lao động phải thống kê, báo cáo tổng hợp tai nạn lao động hoặc báo cáo định kỳ 06 tháng.
Thời gian phải báo cáo tai nạn lao động là khi nào? Công ty chậm báo cáo tình hình tai nạn lao động thì bị xử phạt như thế nào?
Việc báo cáo tai nạn lao động thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, việc báo cáo tai nạn lao động thực hiện như sau:
Thời Điểm, mẫu báo cáo tai nạn lao động
Việc báo cáo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
1. Người sử dụng lao động gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động; báo cáo gửi trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định này. Báo cáo gửi bằng một trong các hình thức sau đây: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử.
...
Theo đó, người sử dụng lao động có thể gửi Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bằng một trong các hình thức sau đây:
- Trực tiếp;
- Fax;
- Đường bưu điện;
- Thư điện tử.
Với trường hợp người lao động không làm việc theo hợp đồng lao động, định kỳ 06 tháng, hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng với Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo các vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng được thống kê, báo cáo theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Các mẫu báo cáo tình hình tai nạn lao động mới nhất là mẫu nào?
Hiện hành, Các mẫu báo cáo tình hình tai nạn lao động mới nhất sử dụng các mẫu sau:
- Mẫu báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động của người sử dụng lao động quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP như sau:
Tải mẫu tại đây.
- Mẫu báo cáo tình hình tai nạn lao động của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP như sau:
Tải mẫu tại đây.
Công ty báo cáo tình hình tai nạn lao động sau ngày 5/7 thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không thống kê tai nạn lao động; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, công ty có hành vi báo cáo không đúng thời hạn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.