08:30 - 18/12/2024

Rừng phòng hộ là gì? Có bao nhiêu loại rừng phòng hộ? Rừng phòng hộ được phân biệt dựa trên tiêu chí nào?

Tôi muốn hỏi Rừng phòng hộ được phân biệt dựa trên tiêu chí nào?

Nội dung chính

    Rừng phòng hộ là gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

    Rừng phòng hộ là gì? Có bao nhiêu loại rừng phòng hộ? Rừng phòng hộ được phân biệt dựa trên tiêu chí nào?

    Rừng phòng hộ là gì? Có bao nhiêu loại rừng phòng hộ? Rừng phòng hộ được phân biệt dựa trên tiêu chí nào? (Hình từ Internet)

    Có bao nhiêu loại rừng phòng hộ?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, quy định các loại rừng phòng hộ bao gồm:

    - Rừng phòng hộ đầu nguồn;

    - Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư;

    - Rừng phòng hộ biên giới;

    - Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;

    - Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

    Rừng phòng hộ được phân biệt dựa trên tiêu chí nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định tiêu chí phân biệt rừng phòng hộ như sau:

    Rừng phòng hộ đầu nguồn

    Rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng thuộc lưu vực của sông, hồ, đáp ứng các tiêu chí sau đây:

    - Về địa hình: có địa hình đồi, núi và độ dốc từ 15 độ trở lên;

    - Về lượng mưa: có lượng mưa bình quân hằng năm từ 2.000 mm trở lên hoặc từ 1.000 mm trở lên nhưng tập trung trong 2 - 3 tháng;

    - Về thành phần cơ giới và độ dày tầng đất: loại đất cát hoặc cát pha trung bình hay mỏng, có độ dày tầng đất dưới 70 cm; nếu là đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất dưới 30 cm.

    Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư

    Khu rừng trực tiếp cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư tại chỗ; gắn với phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, được cộng đồng bảo vệ và sử dụng.

    Rừng phòng hộ biên giới

    Khu rừng phòng hộ nằm trong khu vực vành đai biên giới, gắn với các điểm trọng yếu về quốc phòng, an ninh, được thành lập theo đề nghị của cơ quan quản lý biên giới.

    Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay

    Đáp ứng các tiêu chí sau đây:

    - Đai rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay giáp bờ biển: đối với vùng bờ biển bị xói lở, chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 300 m tính từ đường mực nước ứng với thủy triều cao nhất hằng năm vào trong đất liền; đối với vùng bờ biển không bị xói lở, chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 200 m tính từ đường mực nước ứng với thủy triều cao nhất hằng năm vào trong đất liền;

    - Đai rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay phía sau đai rừng quy định tại điểm a khoản này: chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 40 m trong trường hợp vùng cát có diện tích từ 100 ha trở lên hoặc vùng cát di động hoặc vùng cát có độ dốc từ 25 độ trở lên. Chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 30 m trong trường hợp vùng cát có diện tích dưới 100 ha hoặc vùng cát ổn định hoặc vùng cát có độ dốc dưới 25 độ.

    Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

    Đáp ứng các tiêu chí sau đây:

    - Đối với vùng bờ biển bồi tụ hoặc ổn định, chiều rộng của đai rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 300 m đến 1.000 m tùy theo từng vùng sinh thái;

    - Đối với vùng bờ biển bị xói lở, chiều rộng tối thiểu của đai rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển là 150 m;

    - Đối với vùng cửa sông, chiều rộng của đai rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển tối thiểu là 20 m tính từ chân đê và có ít nhất từ 3 hàng cây trở lên;

    - Đối với vùng đầm phá ven biển, chiều rộng tối thiểu của đai rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển ở nơi có đê là 100 m, nơi không có đê là 250 m.

    Bảo vệ rừng phòng hộ thực hiện theo các tiêu chí nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định về bảo vệ rừng phòng hộ như sau:

    Bảo vệ rừng phòng hộ
    1. Bảo vệ hệ sinh thái rừng
    a) Việc bảo vệ hệ sinh thái rừng thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật Lâm nghiệp;
    b) Không tiến hành các hoạt động sau đây trong rừng phòng hộ: các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng; khai thác trái phép tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác; gây ô nhiễm môi trường; mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy trái quy định của pháp luật vào rừng; chăn thả gia súc, gia cầm, vật nuôi trên diện tích mới trồng rừng, đang trong thời kỳ chăm sóc.
    2. Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng
    a) Việc bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật Lâm nghiệp; quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
    b) Tất cả các loài động vật rừng trong khu rừng phòng hộ phải được bảo vệ, không thực hiện các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến sinh cảnh sống tự nhiên và nguồn thức ăn của động vật rừng.
    3. Thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng quy định tại Chương IV của Nghị định này.
    4. Thực hiện các quy định về phòng, trừ sinh vật gây hại rừng phòng hộ quy định tại Điều 40 của Luật Lâm nghiệp.

    Theo như quy định trên, việc thực hiện bảo vệ rừng phòng hộ theo 4 tiêu chí sau đây:

    - Bảo vệ hệ sinh thái rừng

    - Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng

    - Thực hiện phòng cháy và chữa cháy

    - Thực hiện về phòng, trừ sinh vật vật gây hại rừng phòng hộ

    1719
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ