Quản lý các trường đào tạo và bồi dưỡng tổ chức chính trị xã hội được thực hiện ra sao?
Nội dung chính
Quản lý trường đào tạo, bồi dưỡng tổ chức chính trị xã hội như thế nào?
Tại Điều 8 Nghị định 103/2022/NĐ-CP quy định quản lý trường đào tạo, bồi dưỡng tổ chức chính trị xã hội như sau:
- Trường đào tạo, bồi dưỡng chịu sự quản lý trực tiếp về tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý trực tiếp phù hợp với quy định của Đảng và quy định của pháp luật; chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực và chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở.
- Trường đào tạo, bồi dưỡng trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Quản lý các trường đào tạo và bồi dưỡng tổ chức chính trị xã hội được thực hiện ra sao? (Hình từ Internet)
Các bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng tổ chức chính trị xã hội như thế nào?
Tại Điều 9 Nghị định 103/2022/NĐ-CP quy định các bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng tổ chức chính trị xã hội như sau:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, thanh tra hoạt động giáo dục đại học của các trường đào tạo, bồi dưỡng có tổ chức đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và các cấp học khác.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, thanh tra hoạt động giáo dục nghề nghiệp của các trường đào tạo, bồi dưỡng có tổ chức đào tạo các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể nội dung báo cáo định kỳ hàng năm theo khoản 5 Điều này và tổng hợp báo cáo Chính phủ về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, thanh tra hoạt động giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp của các trường đào tạo, bồi dưỡng có tổ chức đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân quốc phòng; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà nước về nhiệm vụ và kiến thức quốc phòng, an ninh.
- Các trường đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương định kỳ hàng năm gửi báo cáo trước ngày 31 tháng 01 của năm sau liền kề về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ về hoạt động của các trường đào tạo, bồi dưỡng.
Nhiệm vụ và quyền hạn của trường đào tạo, bồi dưỡng tổ chức chính trị xã hội về đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ở cấp học khác như thế nào?
Tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 103/2022/NĐ-CP quy định nhiệm vụ và quyền hạn của trường đào tạo, bồi dưỡng tổ chức chính trị xã hội về đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ở cấp học khác như sau:
- Trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thì thực hiện hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học theo quy định như đối với cơ sở giáo dục đại học và quy định tại Nghị định này;
- Trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì thực hiện hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định như đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quy định tại Nghị định này;
- Trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục ở mỗi cấp học thì thực hiện hoạt động giáo dục và bảo đảm chất lượng theo quy định như đối với các cơ sở giáo dục của cấp học đó và quy định tại Nghị định này;
- Việc đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phải phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực của ngành, lĩnh vực phù hợp chủ trương của Đảng, khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.