Các cơ quan trong việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính có trách nhiệm gì?
Nội dung chính
Các cơ quan trong việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính có trách nhiệm gì?
Căn cứ theo Chương III Thông tư 11/2024/TT-BNV quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính như sau:
(1) Trách nhiệm của Bộ Nội vụ:
- Hướng dẫn, chỉ đạo chung về công tác tổ chức lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
(2) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp:
- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
+ Tổ chức lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
+ Giao nộp vào lưu trữ và bàn giao hồ sơ địa giới đơn vị hành chính theo quy định tại Thông tư này.
+ Bảo đảm điều kiện thực hiện lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý mốc địa giới đơn vị hành chính trên thực địa tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến để Nhân dân nêu cao ý thức bảo vệ mốc địa giới đơn vị hành chính.
+ Khi phát hiện mốc bị xê dịch vị trí, bị hư hỏng hoặc bị mất phải có trách nhiệm lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức khôi phục mốc địa giới đơn vị hành chính.
Các cơ quan trong việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính có trách nhiệm gì? (Hình từ Internet)
Lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính dựa trên những nguyên tắc gì?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BNV quy định nguyên tắc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cụ thể như sau:
(1) Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính được lập khi Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; quyết định của cấp có thẩm quyền về xác định địa giới đơn vị hành chính tại khu vực chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành hoặc trường hợp cần thiết phải xê dịch vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính ở thực địa.
Trong đó:
- Thực hiện lập mới hồ sơ địa giới đơn vị hành chính khi đơn vị hành chính được thành lập, nhập, chia theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Thực hiện chỉnh lý, bổ sung hồ sơ địa giới đơn vị hành chính đối với đơn vị hành chính không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BNV.
(2) Việc lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư 11/2024/TT-BNV và quy định của pháp luật về kỹ thuật xác định đường địa giới đơn vị hành chính, cắm mốc địa giới đơn vị hành chính và lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.
(3) Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư 11/2024/TT-BNV và quy định của pháp luật về lưu trữ.
Thẩm định, nghiệm thu hồ sơ địa giới đơn vị hành chính được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 11/2024/TT-BNV quy định thẩm định, nghiệm thu hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cụ thể như sau:
(1) Kiểm tra, rà soát hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát hồ sơ địa giới đơn vị hành chính của địa phương theo quy định của pháp luật về kỹ thuật xác định đường địa giới đơn vị hành chính, cắm mốc địa giới đơn vị hành chính, lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.
- Căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nội vụ thẩm định, nghiệm thu.
(2) Tài liệu đề nghị thẩm định, nghiệm thu, gồm:
- Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Báo cáo kết quả lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
- Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp dạng giấy (cơ số 01) và dạng số.
- Bản sao Quyết định phê duyệt kèm theo thiết kế - kỹ thuật dự toán lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
- Bản sao hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của cấp chủ đầu tư và của đơn vị thi công (nếu có).
- Bản sao biên bản, tài liệu xác định đường địa giới đơn vị hành chính ở thực địa.
- Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra, rà soát kỹ thuật xác định đường địa giới đơn vị hành chính, cắm mốc địa giới đơn vị hành chính, lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.
- Kết quả cập nhật đường biên giới quốc gia trên hồ sơ địa giới đơn vị hành chính (nếu có).
(3) Thành phần hội đồng thẩm định hồ sơ địa giới đơn vị hành chính gồm đại diện các Bộ: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngoại giao.
(4) Nội dung thẩm định
- Trình tự và kết quả lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
- Giá trị pháp lý của các loại tài liệu và hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
- Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý địa giới đơn vị hành chính và lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
(5) Nghiệm thu số lượng, chất lượng hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
- Căn cứ kết quả biểu quyết của Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, quyết định nghiệm thu số lượng, chất lượng hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp của địa phương.