17:38 - 27/11/2024

Những phương tiện, thiết bị nào cần dán nhãn năng lượng trước khi được đưa ra thị trường?

Nhãn năng lượng là gì? Những phương tiện, thiết bị nào cần dán nhãn năng lượng trước khi được đưa ra thị trường?

Nội dung chính

    Nhãn năng lượng là gì? Có bao nhiêu loại nhãn năng lượng?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    7. Nhãn năng lượng là nhãn cung cấp thông tin về loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.
    ...

    Như vậy, nhãn năng lượng là một loại nhãn được dán trên các thiết bị điện, cung cấp các thông tin về chỉ số và mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị đó.

    Thông qua nhãn năng lượng, người dùng có thể đánh giá khả năng tiết kiệm năng lượng của thiết bị, từ đó lựa chọn được sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm điện năng và chất lượng tốt.

    Nhãn năng lượng giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định thông minh trong việc chọn lựa các sản phẩm vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí sử dụng năng lượng.

    Đồng thời, căn cứ Điều 15 Nghị định 21/2011/NĐ-CP quy định về phân loại nhãn năng lượng như sau:

    Phân loại nhãn năng lượng
    1. Nhãn năng lượng gồm hai loại:
    a) Nhãn so sánh là nhãn cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường để nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.
    b) Nhãn xác nhận là nhãn chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại.
    2. Căn cứ vào tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng, Bộ Công thương quy định mức hiệu suất năng lượng trong nhãn so sánh và nhãn xác nhận.

    Như vậy, có 02 loại nhãn năng lượng, cụ thể:

    - Nhãn năng lượng so sánh là nhãn cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác. Nhãn được sử dụng nhằm mục đích giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm, thiết bị điện cùng loại trên thị trường để nhận biết và lựa chọn sản phẩm, thiết bị tiết kiệm năng lượng.

    - Nhãn năng lượng xác nhận là nhãn chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại trên thị trường.

    Nhãn năng lượng

    Nhãn năng lượng là gì? (Hình từ internet)

    Những phương tiện, thiết bị nào cần dán nhãn năng lượng trước khi được đưa ra thị trường?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 21/2011/NĐ-CP như sau:

    Dán nhãn năng lượng
    1. Phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng phải được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường.
    2. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

    Như vậy, phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng phải được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường.

    Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

    Theo đó, danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng được quy định tại Điều 1 Quyết định 04/2017/QĐ-TTg gồm:

    (1) Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.

    (2) Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay.

    (3) Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện.

    (4) Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.

    Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị cần dán nhãn năng lượng ra sao?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định 04/2017/QĐ-TTg như sau:

    (1) Đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp:

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với các thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp sau: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, nồi cơm điện, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy giặt lồng đứng, máy thu hình, máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện;

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019 đối với: Sản phẩm đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ;

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đối với: Sản phẩm đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.

    (2) Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại:

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với tủ giữ lạnh thương mại;

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in;

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với máy tính xách tay đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019;

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với máy tính xách tay từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

    (3) Đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải (sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới):

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống;

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017; xe mô tô, xe gắn máy đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019;

    - Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với: Xe ô tô con loại trên 07 chỗ đến 09 chỗ từ ngày 01 tháng 01 năm 2018; xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

    (4) Khuyến khích thực hiện việc dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với phương tiện, thiết bị không thuộc danh mục.

    102
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ