Nguyên tắc tổ chức hội nghị, cuộc họp và quy định về việc họp xử lý công việc thường xuyên theo quy chế làm việc của BGDĐT?
Nội dung chính
1. Nguyên tắc tổ chức các hội nghị, cuộc họp
Căn cứ theo Điều 16 Quy chế làm việc của Bộ giáo dục và đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định 355/QĐ-BGDĐT năm 2022) quy định về nguyên tắc tổ chức các hội nghị, cuộc họp như sau:
Căn cứ yêu cầu công việc, Bộ tổ chức các hội nghị, cuộc họp trên nguyên tắc thiết thực, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm.
Việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp phải tuân thủ nghiêm túc quy định về chế độ họp trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
2. Quy định về việc họp xử lý công việc thường xuyên
Bên cạnh đó, Điều 22 Quy chế này họp xử lý công việc thường xuyên như sau:
1. Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực họp với đơn vị chủ trì nhiệm vụ và đại diện các đơn vị có liên quan, chuyên gia (nếu cần) để nghe ý kiến tư vấn, tham mưu trước khi quyết định giải quyết công việc.
2. Trách nhiệm của các đơn vị
a) Trách nhiệm của Văn phòng
- Đôn đốc đơn vị chủ trì chuẩn bị đầy đủ tài liệu họp, gửi giấy mời cùng tài liệu đến các thành phần được mời trước ngày họp ít nhất ba (03) ngày làm việc (trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Bộ đồng ý gửi tài liệu muộn hơn);
- Chuẩn bị địa điểm và các điều kiện phục vụ cho cuộc họp, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ này nếu cuộc họp được tổ chức ở ngoài cơ quan Bộ.
b) Trách nhiệm của đơn vị chủ trì nội dung
- Chuẩn bị đầy đủ tài liệu họp; ý kiến giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung họp; ghi biên bản cuộc họp và khi cần thiết có thể ghi âm;
- Chuyển dự thảo thông báo kết luận sau khi được lãnh đạo Bộ phê duyệt cho Chánh Văn phòng chậm nhất ba (03) ngày kể từ ngày kết thúc cuộc họp.
- Tổ chức triển khai thực hiện kết luận của lãnh đạo Bộ.
3. Trách nhiệm của Chánh Văn phòng theo quy chế làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ngoài ra, tại Điều 23 Quy chế này quy định về trách nhiệm của Chánh Văn phòng như sau:
1. Tổng hợp và trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch tổ chức các hội nghị thực hiện kế hoạch nhiệm vụ của Bộ.
2. Tham mưu cho Bộ trưởng việc sắp xếp, tổ chức các cuộc họp bảo đảm hợp lý.
3. Đôn đốc các đơn vị được phân công chuẩn bị các tài liệu, văn bản thuộc nội dung hội nghị, cuộc họp đầy đủ, đúng yêu cầu.
4. Đề xuất với Bộ trưởng về giải pháp nâng cao chất lượng, giảm số lượng các cuộc họp trong năm của Bộ.
Trân trọng!