Người thuê trọ hay chủ trọ là người thực hiện việc đăng ký tạm trú?
Nội dung chính
Khi thuê trọ ai là người thực hiện việc đăng ký tạm trú?
Theo khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định về nơi tạm trú như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã).
9. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
...
Đồng thời tại Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
Điều kiện đăng ký tạm trú
1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.
Như vậy, khi đi thuê trọ thì người thuê trọ sẽ có trách nhiệm đi đăng ký tạm trú cho mình.
Ngoài ra trường hợp hợp đồng thuê trọ hoặc 02 bên có thỏa thuận về việc người chủ trọ sẽ có trách nhiệm đăng ký tạm trú cho người thuê trọ thì lúc này người chủ trọ sẽ có trách nhiệm đăng ký tạm trú.
Sổ tạm trú (hình ảnh internet)
Không thực hiện việc đăng ký tạm trú, người bị xử phạt là người thuê trọ hay chủ trọ?
Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:
Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
...
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và h khoản 2, các điểm b và c khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm b và g khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này.
Qua đó có thể thấy theo quy định pháp luật không nêu rõ người thuê trọ hay người chủ trọ sẽ bị phạt khi không đăng ký tạm trú.
Tức là cả người chủ trọ và người thuê trọ đều có thể là người bị phạt nếu không đăng ký tạm trú
- Trường hợp có thỏa thuận chủ trọ có trách nhiệm đăng ký tạm trú cho người thuê trọ nhưng không thực hiện thì người chủ trọ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
- Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận người thuê trọ tự đăng ký tạm trú thì người thuê trọ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Ngoài ra theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến đăng ký tạm trú khác sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng như:
- Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để được đăng ký tạm trú;
- Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký tạm trú;
- Cản trở, không chấp hành việc kiểm tra tạm trú, lưu trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Người thuê trọ bao lâu thì phải gia hạn đăng ký tạm trú?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Cư trú 2020 thì thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 02 năm và có thể gia hạn nhiều lần.
Như vậy sau 02 năm đăng ký tạm trú, nếu muốn tiếp tục tạm trú tại chỗ ở đó thì công dân phải làm thủ tục gia hạn hay đăng ký tạm trú lại.
Giấy tờ để gia hạn tạm trú
Khoản 3 Điều 29 Luật Cư trú 2020 quy định, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú trong thời gian 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký.
Giấy tờ cần chuẩn bị
Để gia hạn tạm trú, cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Cư trú 2020:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Nếu là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là một trong các giấy tờ sau:
- Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà/tài sản gắn liền với đất.
- Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở.
- Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ;
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.
- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở.