08:13 - 26/09/2024

Người cao tuổi mắc bệnh ung thư có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không?

Người cao tuổi mắc bệnh ung thư có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không? Mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi là bao nhiêu? Nhà nước có chính sách gì đối với người cao tuổi?
Mẹ của tôi năm nay 65 tuổi và đang mắc bệnh ung thư, vẫn có người phụng dưỡng nhưng người đấy không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tôi thắc mắc là mẹ tôi có thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không? Nếu có thì mức trợ cấp là bao nhiêu?

Nội dung chính

    1. Người cao tuổi mắc bệnh ung thư có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không?

    Tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

    1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

    b) Mồ côi cả cha và mẹ;

    c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

    d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

    đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    e) Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

    g) Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

    h) Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    i) Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

    k) Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    l) Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

    2. Người thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

    3. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.

    4. Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).

    5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

    a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

    b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

    c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

    d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

    6. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

    7. Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

    8. Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

    Theo Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 quy định người cao tuổi như sau:

    Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

    Như vậy, trường hợp của mẹ bạn thì phải xét 2 yếu tố:

    Thứ nhất, người bị mắc bệnh ung thư thì không thuộc một trong những đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đã được nêu trên.

    Thứ hai, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo có người phụng dưỡng và người đó đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

    Theo đó, với 2 yếu tố được nêu trên thì mẹ bạn là người cao tuổi mắc bệnh ung thư nhưng lại có người phụng dưỡng và người phụng dưỡng đấy không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì mẹ bạn không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

    2. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi là bao nhiêu?

    Căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:

    đ) Đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định này:

    - Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi;

    - Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 80 tuổi trở lên;

    - Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 5;

    - Hệ số 3,0 đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 5.

    Do đó, mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi sẽ được xác định theo quy định trên.

    Mẹ bạn không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nên sẽ không xác định được mức trợ cấp xã hội nào.

    3. Nhà nước có chính sách gì đối với người cao tuổi?

    Tại Điều 4 Luật người cao tuổi 2009 quy định chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi như sau:

    1. Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

    2. Bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    3. Lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

    4. Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.

    5. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    6. Khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

    7. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

    8. Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Trên đây là những quy định về chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi.

    Trân trọng!

    1
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ