Mỹ áp thuế Việt Nam 46%: Thuế đối ứng là gì?
Nội dung chính
Mỹ áp thuế Việt Nam 46%: Thuế đối ứng là gì?
Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế 46% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.
Thuế đối ứng (reciprocal tariffs) là một biện pháp thuế quan mà một quốc gia áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia khác với mức thuế tương đương với mức thuế mà nước đó đã áp đặt lên hàng hóa của mình.
Thuế đối ứng là một chính sách mang tính chất có đi có lại, nhằm đảm bảo sự công bằng trong quan hệ thương mại, ngăn chặn tình trạng một quốc gia áp thuế cao trong khi vẫn được hưởng mức thuế ưu đãi khi xuất khẩu sang nước khác.
Thuế đối ứng thường được sử dụng trong các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương để khuyến khích các quốc gia duy trì mức thuế hợp lý và cân bằng hơn trong giao dịch quốc tế. Nếu một nước áp đặt mức thuế cao lên hàng hóa của nước khác mà không có lý do chính đáng, thì nước bị ảnh hưởng có thể đáp trả bằng cách áp mức thuế tương đương lên hàng hóa của nước đó.
Mỹ áp thuế Việt Nam 46%: Thuế đối ứng là gì? (Hình từ Internet)
Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại Việt Nam
Căn cứ tại Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định về đối tượng chịu thuế cụ thể như sau:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Lưu ý: Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
- Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
- Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
- Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
Người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại Việt Nam
Căn cứ tại Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được bao gồm:
- Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
- Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:
+ Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;
+ Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
+ Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
+ Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;
+ Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
- Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.
- Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.