11:09 - 08/01/2025

Mẫu viết bài văn nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới lớp 11? Nội dung văn bản nghị luận mà học sinh lớp 11 được học?

Học sinh lớp 11 tham khảo mẫu viết bài văn nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới? Học sinh lớp 11 sẽ được học những nội dung văn bản nghị luận nào?

Nội dung chính


    Mẫu viết bài văn nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới lớp 11?

    Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại. Để viết bài văn nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới, cần tập trung phân tích ý nghĩa của bình đẳng giới, thực trạng và các giải pháp cần thiết để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh hơn.

    Dưới đây là mẫu viết bài văn nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới mà học sinh có thể tham khảo.

    Nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới - Mẫu số 1:

    Cuộc sống ngày càng phát triển, và điều này đã dẫn đến một giảm bớt về vấn đề "Trọng nam khinh nữ" trong xã hội hiện đại. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được coi trọng, tương đương với vai trò của người chồng. Họ không chỉ có cơ hội để tự thể hiện mình trong cuộc sống, mà còn có thể tham gia vào thị trường lao động, đóng góp vào kinh tế gia đình. Do đó, tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình cũng trở nên có uy lực và ảnh hưởng lớn hơn.

    Bình đẳng giới không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà còn là một thực tế trong xã hội hiện đại. Trong một gia đình và xã hội, người phụ nữ có vị trí và vai trò quan trọng, không còn phải chịu sự quản lý học phục tùng như thời kỳ phong kiến. Bình đẳng giới không chỉ mang lại quyền lợi cho người phụ nữ mà còn đòi hỏi sự tôn trọng và hỗ trợ từ phía nam giới và xã hội.

    Người đàn ông và xã hội phải tôn trọng người phụ nữ và tạo điều kiện cho họ có cơ hội phát triển. Bằng cách này, nam và nữ có thể trở nên bình quyền thông qua bộ luật dân sự và các biện pháp hỗ trợ từ nhà nước Việt Nam. Mặc dù đã có những tiến triển về bình đẳng giới được thể hiện trong các luật, nhưng thực tế cuộc sống vẫn chưa hoàn toàn đạt đến sự bình đẳng này.

    Trong cuộc sống hàng ngày, người phụ nữ trong xã hội ngày nay có nhiều cơ hội hơn để phát triển, thể hiện bản thân và đóng góp vào xã hội. Tuy nhiên, sự bình đẳng giới vẫn chỉ ở mức tương đối, chưa đạt đến mức độ hoàn toàn bình đẳng. Trong các lĩnh vực khác nhau, người phụ nữ vẫn phải đối mặt với những thách thức và thiệt thòi nhiều hơn, làm cho việc đảm bảo sự bình đẳng giới trở nên khó khăn.

    Đấu tranh cho bình đẳng giới không chỉ là việc loại bỏ các định kiến và tư tưởng cũ, mà còn đòi hỏi sự thay đổi trong ý thức và hành vi của cả cộng đồng. Trong mỗi gia đình, các thành viên thường cùng nhau chia sẻ công việc, từ việc kiếm tiền đến công việc nhà, nội trợ và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, thực tế là người phụ nữ thường phải đảm nhận nhiều công việc hơn, đặc biệt là khi kết hợp giữa công việc ngoại trời và công việc gia đình. Điều này tạo ra một tình trạng không công bằng và là một thách thức trong việc thực hiện bình đẳng giới.

    Mặc dù đã có những tiến triển về bình đẳng giới, nhưng trong mọi cuộc đấu tranh, người phụ nữ vẫn thường phải đối mặt với nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn so với nam giới. Các vấn đề như tư tưởng cổ hủ, trọng nam khinh nữ, và sự phân biệt đối xử giới vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam. Sự thay đổi này không dễ dàng và đòi hỏi sự đồng lòng của cả xã hội.

    Trong vấn đề sinh sản, người phụ nữ thường phải tự lo cho các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, trong khi người đàn ông thường ít quan tâm đến vấn đề này. Điều này là một dạng bất bình đẳng giới, nơi người phụ nữ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc duy trì an toàn và sức khỏe của gia đình.

    Một khía cạnh khác của bất bình đẳng giới là trong lựa chọn nghề nghiệp. Có những ngành nghề đặc thù tuyển dụng chủ yếu nam giới, vì họ được xem là có khả năng đảm bảo công việc nặng nhọc và áp lực cao. Mặc dù không phải là trọng nam khinh nữ, nhưng tính chất của công việc vẫn tạo ra sự chênh lệch giữa nam và nữ trong một số ngành nghề.

    Trong xã hội hiện đại, chúng ta đang hướng tới sự bình đẳng giới để làm cho cuộc sống trở nên trọn vẹn hơn. Mỗi thành viên trong gia đình cần phải có ý thức về tôn trọng đối với người phụ nữ, dù là người vợ hay người mẹ. Quan điểm cổ truyền về sự ưu tiên con trai trong gia đình cần được thay đổi, và sự hạnh phúc không nên phụ thuộc vào giới tính của đứa con. Sự chia sẻ trách nhiệm và quan tâm lẫn nhau giữa vợ chồng và các thành viên trong gia đình là chìa khóa để xây dựng một xã hội bình đẳng giới và tiến bộ.

    Nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới - Mẫu số 2:

    Những năm qua tôi đã tham gia vào rất nhiều cuộc trò chuyện về phụ nữ, với phụ nữ. Đây là các cuộc trò chuyện của những tổ chức - cơ quan bảo vệ phụ nữ cũng như hoạt động liên quan đến bình đẳng giới. Tại đó, tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của phụ nữ, em nhỏ bị bạo hành và lắng nghe các tâm sự, chia sẻ mà chắc chắn là bất cứ ai trong chúng ta nếu nghe được đều phẫn nộ về hành vi bạo lực của những người chồng, người bố liên quan.

    Những số liệu điều tra cho thấy các hành vi bạo lực gia đình nói riêng, vi phạm quy định pháp luật về bình đẳng giới nói chung có một tỷ lệ đáng kể trong xã hội. Đơn cử kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 4 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (26%) từng bị chồng bạo hành thể xác. Thực tế này cho thấy chúng ta sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trong gia đình.

    Nhưng có một vấn đề nhìn từ phía chị em mà tôi ít thấy mọi người đề cập đến. Đó là mọi phụ nữ đều cần được nhận sự tôn trọng không chỉ từ nam giới mà cả ở chính phụ nữ với nhau. Đó là để thực hiện bình đẳng giới thì trước hết chị em phải hiểu đúng, đây không phải là "trọng nam" hơn hay "trọng nữ" hơn mà là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

    Trong gia đình, bình đẳng giới không phải là đàn ông xuống bếp và phụ nữ từ bỏ bếp núc, mà cùng nhau san sẻ việc nhà. Chúng ta ghi nhận những công việc không được trả lương một cách bình đẳng thay vì những cái bĩu môi, phán xét của chính phụ nữ với những người đàn ông lui về hậu phương, nội trợ. Đừng đo đếm nữ quyền bằng việc phụ nữ phải kiếm ra nhiều tiền mới là người nắm quyền làm chủ. Mọi sự "vùng lên" bằng việc đạp người khác xuống đều là bất bình đẳng.

    Tôi vẫn luôn nghĩ về hai chữ "Tôn trọng". Là chúng ta, những phụ nữ Việt, học cách tôn trọng bình đẳng cả ở hai giới, thậm chí, cả với những người trong cộng đồng LGBT (cộng đồng những người có xu hướng tính dục khác biệt). Dù là ai cũng có quyền được bình đẳng và được tôn trọng.

    Tôi đã chứng kiến nhiều phụ nữ đã và đang nghĩ sai về bình đẳng giới, cho rằng "kẻ thù" của phụ nữ là nam giới nên mới có những phong trào "vùng lên", những thông điệp từ bỏ bếp núc hay kể cả những câu chua xót: Chỉ phụ nữ mới mang hạnh phúc đến cho nhau.

    Có những chị em vạch lằn ranh giới tính và nghĩ rằng đó là bình đẳng giới. Thậm chí, xúc phạm chính những phụ nữ chọn chồng con, bếp núc là thứ phụ nữ xó bếp, yếu thế; gọi đàn ông với những câu ngoa ngoắt; lan truyền những câu chuyện vợ đánh chồng vì chồng nhậu xỉn như một chiến công bình quyền. Bình đẳng giới không phải và không thể giành được bằng bạo lực. Nó chỉ có thể đạt được bằng sự tôn trọng. Bao gồm tôn trọng quyền con người, tôn trọng pháp luật.

    Phụ nữ là phái đẹp. Cái đẹp của phụ nữ nào đâu chỉ là câu chuyện nhan sắc. Mà còn là cách hành xử và càng không phải đối trọng của nó là phái xấu, đàn ông. Có bình đẳng nào mà ở đó có người được quyền hơn người khác? Có bình đẳng nào được thiết lập trên nền tảng kéo bên kia xuống, vùng lên đạp đổ đối phương để bình đẳng kia chứ? Bình đẳng xin được bắt đầu bằng tôn trọng. Để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn thay vì chỉ mình tốt đẹp hơn người khác.

    Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.

    Mẫu viết bài văn nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới lớp 11? Nội dung văn bản nghị luận mà học sinh lớp 11 được học?

    Mẫu viết bài văn nghị luận về đấu tranh cho bình đẳng giới lớp 11? Nội dung văn bản nghị luận mà học sinh lớp 11 được học? (Hình từ Internet)

    Nội dung văn bản nghị luận mà học sinh lớp 11 được học?

    Căn cứ Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về nội dung văn bản nghị luận mà học sinh lớp 11 được viết như sau:

    - Mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng với luận đề.

    - Sự phù hợp giữa nội dung với nhan đề của văn bản.

    - Mục đích, thái độ và tình cảm của người viết.

    - Các yếu tố thuyết minh, tự sự và biểu cảm trong văn bản nghị luận.

    - Bài nghị luận về một vấn đề xã hội.

    - Bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm nghệ thuật (văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc,...)

    Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn được xây dựng dựa trên quan điểm gì?

    Căn cứ Mục 2 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về quan điểm xây dựng chương trình như sau:

    - Chương trình được xây dựng trên:

    + Nền tảng lí luận và thực tiễn.

    + Cập nhật thành tựu nghiên cứu về giáo dục học, tâm lí học và phương pháp dạy học Ngữ văn.

    + Thành tựu nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ học.

    + Thành tựu văn học Việt Nam qua các thời kì.

    + Kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Ngữ văn của Việt Nam, đặc biệt từ đầu thế kỉ XXI đến nay và xu thế quốc tế trong phát triển chương trình nói chung, chương trình môn Ngữ văn nói riêng những năm gần đây, nhất là chương trình của những quốc gia phát triển.

    + Thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, đặc biệt là sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.

    - Chương trình lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp học, lớp học. Các kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về tiếng Việt và văn học được hình thành qua hoạt động dạy học tiếp nhận và tạo lập văn bản; phục vụ trực tiếp cho yêu cầu rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.

    - Chương trình được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.

    - Chương trình vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa chú trọng kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình môn Ngữ văn đã có, đặc biệt là chương trình hiện hành.

    7