Lịch thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM năm 2025
Nội dung chính
Lịch thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM năm 2025
Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM sẽ diễn ra trong hai đợt vào cuối tháng 3 và đầu tháng 6 năm 2025.
Lịch thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM năm 2025 như sau:
Hoạt động | Thời gian | |
Đợt 1 | Đợt 2 | |
Mở đăng ký dự thi | 20/1 - 20/2/2025 | 17/4 - 7/5/2025 |
Thông báo phiếu dự thi cho thí sinh | 22/3/2025 | 24/5/2025 |
Tổ chức thi | 30/3/2025 | 1/6/2025 |
Chấm thi | 31/3-15/4/2025 | 2/6-15/6/2024 |
Thông báo kết quả | 16/4/2025 | 16/6/2025 |
* Đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được tổ chức tại 25 địa phương, bao gồm:
(1) Thừa Thiên - Huế,
(2) Bình Phước,
(3) Tây Ninh,
(4) Đà Nẵng,
(5) Quảng Nam,
(6) Quảng Ngãi,
(7) Bình Định,
(8) Phú Yên,
(9) Khánh Hòa,
(10) Bình Thuận,
(11) Đắk Lắk,
(12) Lâm Đồng,
(13) TP.HCM,
(14) Bình Dương,
(15) Đồng Nai,
(16) Bà Rịa - Vũng Tàu,
(17) Tiền Giang,
(18) Bến Tre,
(19) Đồng Tháp,
(20) Vĩnh Long,
(21) An Giang,
(22) Cần Thơ,
(23) Kiên Giang,
(24) Bạc Liêu,
(25) Cà Mau.
* Đợt 2 sẽ được tổ chức tại 11 địa phương:
(1) Thừa Thiên - Huế,
(2) Bình Định,
(3) Đắk Lắk,
(4) Khánh Hòa,
(5) Đồng Nai,
(6) Bình Dương,
(7) Bà Rịa - Vũng Tàu,
(8) Tiền Giang,
(9) An Giang,
(10) Lâm Đồng,
(11) TP.HCM.
Lịch thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM năm 2025 (Hình từ Internet)
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM năm 2025
Từ năm 2025, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM sẽ được điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
(1) Phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học: Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ giữ nguyên cấu trúc của phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi trong hai phần này nhằm nâng cao độ tin cậy và khả năng phân biệt của bài thi.
(2) Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề: Phần này sẽ được tái cấu trúc thành Tư duy khoa học, nhằm đánh giá năng lực của thí sinh trong việc áp dụng logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
(3) Phần Tư duy khoa học: Phần thi này sẽ được thiết kế theo hướng cung cấp thông tin, số liệu và dữ liệu thực tế, yêu cầu thí sinh thực hiện các thí nghiệm, phân tích kết quả và dự đoán quy luật dựa trên các tình huống thực tế. Mục đích là đánh giá khả năng hiểu và vận dụng thông tin của thí sinh trong các tình huống khoa học thực tế.
Đề thi đánh giá năng lực năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài là 150 phút, và sẽ được thực hiện trên giấy. Kết quả thi sẽ được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Mỗi câu hỏi sẽ có trọng số điểm khác nhau tùy theo độ khó.
Điểm thi sẽ được quy đổi theo từng phần, với tổng điểm tối đa là 1.200 điểm. Điểm tối đa cho từng phần của bài thi như sau:
- Tiếng Việt: 300 điểm
- Tiếng Anh: 300 điểm
- Toán học: 300 điểm
- Tư duy khoa học: 300 điểm
Điểm số của các phần thi này sẽ được thể hiện rõ trên phiếu điểm, giúp thí sinh có cái nhìn chi tiết về kết quả thi của mình.
Điểm thi đánh giá năng lực được xét tuyển thẳng vào đại học không?
Căn cứ Điều 8 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định đối tượng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển:
(1) Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc được tuyển thẳng vào các ngành, chương trình do cơ sở đào tạo quy định.
(2) Thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi, giải đấu cấp quốc gia hoặc quốc tế, do Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, cử tham gia, được xét tuyển thẳng trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc tốt nghiệp trung cấp) vào các ngành phù hợp với môn thi, nội dung đề tài hoặc nghề dự thi, thi đấu, đoạt giải; cụ thể trong các trường hợp sau:
- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ GDĐT tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;
- Thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;
- Thí sinh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;
- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cử đi; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng.
(3) Thí sinh có bằng trung cấp ngành sư phạm loại giỏi trở lên, hoặc có bằng trung cấp ngành sư phạm loại khá và có ít nhất 02 năm làm việc đúng ngành được xét tuyển thẳng vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.
(4) Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo căn cứ kết quả học tập cấp THPT của thí sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định nhận vào học những trường hợp quy định dưới đây (trường hợp cần thiết kèm theo điều kiện thí sinh phải học 01 năm bổ sung kiến thức trước khi vào học chính thức):
- Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, có khả năng theo học một số ngành do cơ sở đào tạo quy định nhưng không có khả năng dự tuyển theo phương thức tuyển sinh bình thường;
- Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ;
- Thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực Tiếng Việt đáp ứng quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
(5) Cơ sở đào tạo quy định hình thức ưu tiên xét tuyển khác (được ưu tiên xét tuyển trong năm tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp) đối với các trường hợp sau đây:
- Thí sinh quy định tại khoản 1, 2 Điều này dự tuyển vào các ngành theo nguyện vọng (không dùng quyền ưu tiên tuyển thẳng);
- Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải tư trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dự tuyển vào ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển;
- Thí sinh đoạt huy chương vàng, bạc, đồng các giải thể dục thể thao cấp quốc gia tổ chức một lần trong năm và thí sinh được Tổng cục Thể dục thể thao có quyết định công nhận là kiện tướng quốc gia dự tuyển vào các ngành thể dục thể thao phù hợp; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển;
- Thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật dự tuyển vào các ngành nghệ thuật phù hợp; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển;
- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế dự tuyển vào các ngành phù hợp với nghề đã đoạt giải; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.
Như vậy, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực cao không đương nhiên được xét tuyển thẳng vào đại học.