17:02 - 13/11/2024

Lập hợp đồng tặng cho có điều kiện khi tặng quà cho người yêu có hợp pháp hay không?

Lập hợp đồng tặng cho có điều kiện khi tặng quà cho người yêu có hợp pháp hay không? Hợp đồng tặng cho xe gắn máy có hiệu lực kể từ thời điểm nào? Điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng được quy định như thế nào? Hợp đồng dân sự sẽ bị vô hiệu trong trường hợp nào?

Nội dung chính

    1. Lập hợp đồng tặng cho có điều kiện khi tặng quà cho người yêu có hợp pháp hay không?

    Tại Điều 462 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau:

    1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

    3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

    Căn cứ theo quy định hiện hành, bạn hoàn toàn có thể lập hợp đồng tặng cho kèm theo điều kiện sau khi chia tay phải trả lại tài sản. Bên cạnh đó, điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    Lập hợp đồng tặng cho có điều kiện khi tặng quà cho người yêu có hợp pháp hay không? (Internet)

    2. Hợp đồng tặng cho xe gắn máy có hiệu lực kể từ thời điểm nào?

    Tại Điều 458 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về việc tặng cho động sản như sau:

    1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

    Theo đó, xe gắn máy là tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Chính vì vậy, hợp đồng tặng cho xe gắn máy sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký với cơ quan nhà nước.

    3. Điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng được quy định như thế nào?

    Tại Điều 406 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng như sau:

    1. Điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này.

    2. Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp điều kiện giao dịch này đã được công khai để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó.

    Trình tự, thể thức công khai điều kiện giao dịch chung thực hiện theo quy định của pháp luật.

    3. Điều kiện giao dịch chung phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên. Trường hợp điều kiện giao dịch chung có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, để tham gi giao kết hợp đồng thì cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định như trên. 

    4. Hợp đồng dân sự sẽ bị vô hiệu trong trường hợp nào?

    Tại Điều 407 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về những trường hợp hợp đồng dân sự vô hiệu như sau:

    1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

    2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

    3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

    Theo đó, hợp đồng dân sự sẽ bị vô hiệu trong trường hợp được liệt kê trên.

    14