Khách hàng khi rút tiền gửi có được nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán khác không?
Nội dung chính
Khách hàng khi rút tiền gửi có được nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán khác không?
Tại Điều 5 Thông tư 49/2018/TT-NHNN có quy định nguyên tắc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn như sau:
Nguyên tắc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn
1. Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi có kỳ hạn phù hợp với phạm vi hoạt động được phép theo quy định của pháp luật và Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng.
2. Khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của chính khách hàng đó.
3. Khách hàng thực hiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng khách hàng là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc chưa đủ 15 tuổi thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện theo pháp luật; Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người giám hộ (người đại diện theo pháp luật, người giám hộ gọi chung là người đại diện theo pháp luật).
4. Đối với tiền gửi chung có kỳ hạn, khách hàng gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán chung của tất cả khách hàng. Người cư trú và người không cư trú không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn. Tổ chức và cá nhân không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn bằng ngoại tệ.
…
Như vậy, nếu khách hàng khi rút tiền gửi thì việc nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn bắt buộc phải được nhận qua tài khoản thanh toán của chính mình có nghĩa là không được nhận qua tài khoản thanh toán của người khác hay uỷ quyền cho người khác nhận thay.
Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi thì lãi suất rút trước hạn tiền gửi xác định như thế nào?
Tại Điều 5 Thông tư 04/2022/TT-NHNN có quy định lãi suất rút trước hạn một phần tiền gửi như sau:
Lãi suất rút trước hạn tiền gửi
1. Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
2. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:
a) Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi;
b) Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Như vậy, trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi thì mức lãi suất rút trước hạn tiền gửi được áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
Có bao nhiêu hình thức tiền gửi rút trước hạn?
Tại Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN có quy định hình thức tiền gửi rút trước hạn như sau:
Hình thức tiền gửi rút trước hạn
1. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
2. Tiền gửi có kỳ hạn.
3. Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành.
4. Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Như vậy, có 04 hình thức tiền gửi rút trước hạn bao gồm:
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
- Tiền gửi có kỳ hạn.
- Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành.
- Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác.