Hướng dẫn đăng ký kinh doanh dạy thêm dành cho giáo viên các cấp
Nội dung chính
Giáo viên dạy các cấp phải đăng ký kinh doanh dạy thêm
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau:
Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
2. Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
3. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
Theo đó, giáo viên các cấp phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh dạy thêm theo quy định.
Hướng dẫn đăng ký kinh doanh dạy thêm dành cho giáo viên các cấp (Hình từ Internet)
Hướng dẫn đăng ký kinh doanh dạy thêm dành cho giáo viên các cấp
Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về việc dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/02/2025, nếu giáo viên có nhu cầu dạy thêm ngoài trường và thu tiền từ học sinh, thì phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đối với loại hình đăng ký kinh doanh, do số lượng học sinh tham gia lớp dạy thêm của giáo viên thường không lớn, giáo viên có thể lựa chọn đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, theo quy định của Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Sau đây là hướng dẫn đăng ký kinh doanh dạy thêm dành cho giáo viên các cấp:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Giáo viên đăng ký kinh doanh nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cụ thể là Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hoặc nộp qua mạng thông tin điện tử (online) trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ cấp Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh về lý do không chấp nhận hồ sơ và yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Trong trường hợp sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ mà người thành lập hộ kinh doanh không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, họ có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Mức phạt không đăng ký kinh doanh dạy thêm từ ngày 14/02/2025?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
b) Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;
c) Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định;
d) Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;
b) Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp chưa đăng ký đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Như vậy, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không đăng ký kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP mức phạt trên là mức phạt áp dụng với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm mức phạt sẽ gấp 02 lần đối với cá nhân.