Giáo viên có được từ chối phân công dạy môn học khác hay không?
Nội dung chính
Hiệu trưởng có quyền giải quyết thôi việc đối với giáo viên không?
Hiệu trưởng có quyền giải quyết thôi việc đối với giáo viên không? Mình là viên chức đang dạy tại trường cấp 2. Do bị bệnh nên phải điều trị gần 04 tháng, không đủ sức khỏe để tiếp tục đi dạy nên mình muốn xin thôi việc. Không biết hiệu trưởng có quyền giải quyết vấn đề này cho mình hay không? Trước đó mình ký hợp đồng có xác định thời hạn.
Trả lời:
Theo Điểm e Khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010 quy định viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
Tại Khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục giải quyết thôi việc như sau:
- Trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải thông báo bằng văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định. Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định.
- Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì đồng thời phải giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định.
Như vậy, trường hợp của bạn đã điều trị 04 tháng và hiện không đủ sức khỏe để tiếp tục giảng dạy thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Căn cứ quy định trên thì người đứng đầu đơn vị sẽ có thẩm quyền giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức; do đó, Hiệu trưởng trường bạn đang làm việc là người có thẩm quyền ra quyết định thôi việc nếu đồng ý cho bạn thôi việc.
Giáo viên có được từ chối phân công dạy môn học khác hay không?
Giáo viên có được từ chối phân công dạy môn học khác hay không? Tôi vừa thi tuyển vào làm giáo viên môn Vật lý của trường cấp III công lập, hiện trường chúng tôi đang thiếu giáo viên môn Toán. Thầy hiệu trưởng hiện đang muốn tôi chuyển sang dạy môn Toán. Xin hỏi tôi có thể từ chối quyết định phân công này được hay không?
Trả lời:
Theo Khoản 5 Điều 13 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận vào làm viên chức như sau:
Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
Việc xếp lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định hiện hành.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì viên chức khi được tuyển dụng sẽ được bố trí làm việc đúng ngành, nghề đào tạo, chuyên môn. Do đó, anh có quyền từ chối và tiếp tục công việc dạy môn Vật lý. Trong trường hợp anh không được bố trí giảng dạy đúng môn theo hợp đồng làm việc thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng (Khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010).
Giáo viên đi du lịch nước ngoài không xin phép có bị kỷ luật không?
Giáo viên đi du lịch nước ngoài không xin phép có bị kỷ luật không? Trong đợt hè vừa rồi, có một số giáo viên trường tôi có đi du lịch nước ngoài. Cho tôi hỏi theo quy định thì những người đó có bị kỷ luật không khi họ không xin phép? Mong sớm nhận phản hồi.
Trả lời:
Hiện tại pháp luật không có quy định về việc công dân đi nước ngoài thì phải xin phép. Và tại quy định tại Luật viên chức 2010 hiện hành cũng không có quy định cấm viên chức đi du lịch nước ngoài, hoặc đi nước ngoài thì phải xin phép.
Nhưng nếu giáo viên đó là đảng viên đi du lịch nước ngoài đó là đảng viên, mà không xin phép thì sẽ bị xử lý kỷ luật về đảng.
Tại Điểm d Khoản 1 Điều 26 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, có quy định:
Điều 26. Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài
1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
Tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt.
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì nếu là giáo viên bình thường không phải là đảng viên đi nước ngoài mà không xin phép thì không bị kỷ luật. Nhưng còn nếu giáo viên đó là đảng viên đi du lịch nước ngoài mà không xin phép thì có thể sẽ bị xử lý kỷ luật đảng với hình thức khiển trách.
Trân trọng!