Doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 17 Luật Viễn thông 2023 quy định doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường được như sau:
- Chính phủ quy định tiêu chí xác định thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, tiêu chí xác định doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý.
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Viễn thông 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, danh mục doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý.
- Ngoài các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 13 Luật Viễn thông 2023, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường còn phải tuân thủ các nghĩa vụ sau đây đối với thị trường dịch vụ viễn thông mà doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh:
+ Thực hiện hoạt động bán buôn trong viễn thông khi có yêu cầu từ doanh nghiệp viễn thông khác theo quy định tại Điều 16 của Luật này;
+ Thực hiện hạch toán chi phí, xác định giá thành dịch vụ viễn thông mà doanh nghiệp cung cấp;
+ Không cung cấp dịch vụ viễn thông với giá dịch vụ thấp hơn giá thành, trừ trường hợp khuyến mại theo quy định của pháp luật;
+ Xây dựng thỏa thuận mẫu khi thực hiện hoạt động bán buôn trong viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp viễn thông có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Luật Viễn thông 2023 quy định quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông như sau:
(1) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng có các quyền sau đây:
+ Xây dựng, lắp đặt, sở hữu hệ thống thiết bị viễn thông và đường truyền dẫn trong phạm vi cơ sở và điểm phục vụ công cộng của mình để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;
+ Thuê đường truyền dẫn để kết nối hệ thống thiết bị viễn thông, các cơ sở, điểm phục vụ công cộng của mình với nhau và với mạng viễn thông công cộng của doanh nghiệp viễn thông khác;
+ Thuê đường truyền dẫn hoặc mua lưu lượng, dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông khác để bán lại cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;
+ Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê lại cơ sở hạ tầng viễn thông mà mình đã thuê nếu được doanh nghiệp viễn thông cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông đồng ý;
+ Được phân bổ tài nguyên viễn thông theo quy định của Luật này về quản lý tài nguyên viễn thông;
+ Nghiên cứu phát triển, triển khai thử nghiệm công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông;
+ Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng có các nghĩa vụ sau đây:
+ Đóng góp tài chính vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam theo quy định của pháp luật;
+ Chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố; bảo đảm tính đúng, đủ, chính xác giá dịch vụ theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông;
+ Chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin;
+ Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động viễn thông của doanh nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời của nội dung và số liệu báo cáo;
+ Thực hiện các biện pháp ngăn chặn kết nối, địa chỉ Internet, tên miền và các biện pháp ngăn chặn khác đối với hệ thống thiết bị viễn thông, dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Viễn thông 2023 khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
+ Có phương án sẵn sàng kết nối kỹ thuật phục vụ việc báo cáo số liệu bằng phương tiện điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về huy động một phần hoặc toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông, dịch vụ viễn thông trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp;
+ Bảo đảm cho thuê bao viễn thông được giữ nguyên số thuê bao viễn thông khi thay đổi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong cùng một loại hình dịch vụ viễn thông;
+ Cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông có thông tin thuê bao viễn thông đầy đủ, trùng khớp với thông tin trên giấy tờ tùy thân đã xuất trình khi giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý SIM có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác;
+ Phòng, chống, ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi vi phạm pháp luật theo quy định của Chính phủ;
+ Ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông;
+ Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có các quyền sau đây:
+ Các quyền quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Viễn thông 2023;
+ Được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, đất sử dụng vào mục đích công cộng để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông theo quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan;
+ Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê cơ sở hạ tầng viễn thông;
+ Tham gia thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có các nghĩa vụ sau đây:
+ Các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Viễn thông 2023;
+ Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khi phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và khả thi về kinh tế, kỹ thuật;
+ Thu hồi, tháo dỡ công trình viễn thông thuộc quyền sở hữu, quản lý có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông.
- Chính phủ quy định chi tiết các điểm h, k và m khoản 2, điểm d khoản 4 Điều 13 Luật Viễn thông 2023.
Đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 12 Luật Viễn thông 2023 quy định đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông như sau:
- Hoạt động đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Việt Nam phải tuân theo quy định của Luật Viễn thông 2023 và pháp luật về đầu tư.
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông ra nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.