11:45 - 26/12/2024

Điều kiện nâng hạng Giấy phép lái xe

Các hạng Giấy phép lái xe phải thi nâng hạng từ năm 2025. Những đối tượng nào cần thực hiện nâng hạng Giấy phép lái xe từ năm 2025?

Nội dung chính

    Những đối tượng nào cần thực hiện nâng hạng Giấy phép lái xe?

    Tại khoản 3 và 4 Điều 60 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, quy định việc đào tạo để nâng hạng GPLX thực hiện đối với những đối tượng sau:

    - Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B lên hạng C1 hoặc lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2;

    - Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C1 lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2;

    - Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D1 hoặc lên hạng D2 hoặc lên hạng D;

    - Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D1 lên hạng D2 hoặc lên hạng D;

    - Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D2 lên hạng D;

    - Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B lên hạng BE, từ hạng C1 lên hạng C1E, từ hạng C lên hạng CE, từ hạng D1 lên hạng D1E, từ hạng D2 lên hạng D2E, từ hạng D lên hạng DE.

    Và người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX khi GPLX còn hiệu lực, phải có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe; đối với việc nâng hạng GPLX lên hạng D1, D2, D thì người có nhu cầu được đào tạo còn phải có trình độ từ trung học cơ sở trở lên.

    Điều kiện nâng hạng Giấy phép lái xe

    Điều kiện nâng hạng Giấy phép lái xe

    Năm 2025 các hạng giấy phép lái xe nào phải thi nâng hạng?

    Theo khoản 5 Điều 60 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:

    Đào tạo lái xe
    ...
    5. Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải được đào tạo bằng hình thức đào tạo nâng hạng theo các điều kiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
    ...

    Như vậy, 10 hạng giấy phép lái xe phải thi nâng hạng bao gồm: C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE.

    Trong đó, căn cứ theo Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, thì 10 hạng lái xe đó được quy định cụ thể như sau: 

    - Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B và hạng C1;

    - Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C;

    - Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1;

    - Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2;

    - Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;

    - Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;

    - Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc;

    - Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;

    - Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;

    - Hạng DE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.

    Điều kiện đối với người học lái xe mới nhất

    Yêu cầu đối với người học lái xe được quy định cụ thể tại Điều 14 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT (có hiệu lực ngày 01/01/2025) gồm:

    (1) Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

    (2) Người học lái xe để nâng hạng giấy phép lái xe phải đáp ứng theo quy định tại khoản 4 Điều 60 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; trong đó, thời gian lái xe an toàn cho từng hạng giấy phép lái xe được quy định cụ thể như sau:

    - Hạng B lên C1, B lên C, B lên D1, B lên BE, C1 lên C, C1 lên D1, C1 lên D2, C1 lên C1E, C lên D1, C lên D2, D1 lên D2, D1 lên D, D1 lên D1E, D2 lên D, D2 lên D2E, D lên DE: thời gian lái xe an toàn từ 02 năm trở lên;

    - Hạng B lên D2, C lên CE, C lên D: thời gian lái xe an toàn từ 03 năm trở lên.

    (3) Người đã có giấy phép lái xe hạng B số tự động được đăng ký học để cấp mới giấy phép lái xe hạng B số cơ khí (số sàn), người đã có giấy phép lái xe hạng B được đăng ký học để cấp mới giấy phép lái xe hạng C1 và phải học đủ nội dung chương trình đào tạo lái xe theo quy định, hồ sơ của người học lái xe thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT;

    Trường hợp đạt kết quả sát hạch, cơ quan tổ chức sát hạch có văn bản đề nghị cơ quan đã cấp giấy phép xe cắt góc giấy phép lái xe cũ và có văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam xóa số quản lý giấy phép lái xe đã cấp.

    16