Đi nghĩa vụ quân sự có được mang theo điện thoại không? Đi nghĩa vụ quân sự nên mang theo những gì?
Nội dung chính
Đi nghĩa vụ quân sự có được mang theo điện thoại không?
Nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm bắt buộc mà mỗi công dân nam đủ điều kiện về độ tuổi và sức khỏe phải tham gia nhằm góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn đề sử dụng điện thoại trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự là mối quan tâm lớn.
Theo Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2. Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
3. Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.
5. Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.
6. Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.
Theo đó, có thể thấy pháp luật không cấm việc mang điện thoại khi đi nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính bảo mật quân sự thì các binh sĩ có thể sẽ không được sử dụng điện thoại.
Trường hợp cá nhân có mang theo điện thoại khi đi nghĩa vụ thì cũng sẽ phải gửi cho đơn vị giữ chứ không được mang theo người để sử dụng.
Đi nghĩa vụ quân sự có được mang theo điện thoại không? Đi nghĩa vụ quân sự nên mang theo những gì? (Hình từ Internet)
Đi nghĩa vụ quân sự nên mang theo những gì?
Khi đi nghĩa vụ quân sự, các tân bình có thể mang theo những vật dụng sau:
- Bút xóa: Sử dụng để đánh dấu lên quần áo.
- Bàn chải đánh răng: Không cần mang theo kem đánh răng.
- Dầu gió, gel Salonpas, thuốc giảm đau Panadol: Rất cần thiết để giảm đau nhức và mệt mỏi khi luyện tập và huấn luyện cường độ cao.
- Kim chỉ: Dùng để sửa chữa quần áo hoặc đồ dùng cá nhân.
- Đồ bấm móng tay: Nên chọn loại đơn giản, không có dao móc khóe hoặc đầu nhọn.
- Dao cạo râu: Nên mang loại gọn nhẹ, tiện lợi.
- Bàn chải giặt đồ: Hữu ích để giặt quần áo khi cần.
- Vitamin C dạng viên sủi: Rất quan trọng, nhưng cần lưu ý không sử dụng quá nhiều, tránh uống vào ban đêm để bảo vệ thận. Chỉ nên dùng khi cơ thể quá mệt mỏi hoặc huấn luyện cường độ cao.
- Radio nhỏ hoặc máy nghe nhạc MP3: Dùng để giải trí và thư giãn trong thời gian rảnh.
- Thuốc tiêu chảy: Mang theo để xử lý tình huống khẩn cấp về sức khỏe.
- Băng vệ sinh: Hữu ích để lót đế giày khi hành quân, giúp tránh phồng rộp chân do đi lại nhiều. Đặc biệt cần thiết cho lính bộ thường xuyên hành quân, còn các binh chủng khác thì không quá cần thiết.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Đối tượng nào được hoãn và miễn gọi nghĩa vụ quân sự?
Căn cứ Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì đối tượng hoãn và miễn gọi nghĩa vụ quân sự gồm:
* Tạm hoãn gọi nghĩa vụ quân sự đối với những công dân sau đây:
- Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;
- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;
- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
- Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;
- Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
- Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
* Miễn gọi nghĩa vụ quân sự đối với những công dân sau đây:
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Lưu ý: Công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.