Cục quản lý Dược yêu cầu bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ như thế nào?
Nội dung chính
Cục quản lý Dược yêu cầu bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ?
Ngày 22/9/2023, Cục quản lý Dược ban hành Công văn 9474/QLD-GT năm 2023 về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Theo Công văn 9474/QLD-GT năm 2023, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
- Chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Ngoài ra, Cục quản lý Dược còn yêu cầu:
- Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế:
Khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở và nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc:
+ Đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hợp đồng cung ứng thuốc trúng thầu đã ký kết.
+ Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Cục quản lý Dược yêu cầu bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ? (Hình từ Internet)
Bệnh đau mắt đỏ xuất phát từ nguyên nhân nào?
Tại Tiểu mục 1 Mục 8 Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt ban hành kèm theo Quyết định 40/QĐ-BYT năm 2015 Bộ Y tế hướng dẫn về bệnh viêm kết mạc cấp:
NGUYÊN NHÂN
- Viêm kết mạc cấp tiết tố mủ do vi khuẩn: thường gặp do lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), hiếm gặp do não cầu (Neisseria Menigitidis).
- Viêm kết mạc cấp tiết tố màng do vi khuẩn: thường gặp do vi khuẩn bạch hầu (C. Dipptheria) và liên cầu ( Streptococcus Pyogene), phế cầu,...
- Viêm kết mạc do vi rus: do virus Adeno virus, Entero virus...
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ thường do nhiễm trùng (do virus, vi khuẩn) hoặc dị ứng, cụ thể như sau:
+ Viêm kết mạc cấp tiết tố mủ do vi khuẩn: thường gặp do lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), hiếm gặp do não cầu (Neisseria Menigitidis).
+ Viêm kết mạc cấp tiết tố màng do vi khuẩn: thường gặp do vi khuẩn bạch hầu (C. Dipptheria) và liên cầu ( Streptococcus Pyogene), phế cầu,...
+ Viêm kết mạc do vi rus: do virus Adeno virus, Entero virus...
Khuyến cáo của Bộ Y tế phòng chống dịch đau mắt đỏ trong nhà trường như thế nào?
Theo khuyến cáo phòng dịch đau mắt đỏ của Bộ Y tế ban hành kèm theo Công văn 5576/BGDĐT-CTHSSV năm 2014 như sau:
Để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, cộng đồng cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,...
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.