Người dân có được trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân không?

Người dân có được phép sử dụng một phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân không? Việc tự ý xây mồ mả trên đất ở có thể dẫn đến việc bị thu hồi đất không?

Nội dung chính

Người dân có được trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân không?

Căn cứ theo quy định tại điểm a, điểm h khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về việc phân loại đất, cụ thể:

Điều 9. Phân loại đất
[...]
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác.
[...]

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc sử dụng đất, cụ thể:

Điều 5. Nguyên tắc sử dụng đất
1. Đúng mục đích sử dụng đất.
2. Bền vững, tiết kiệm, có hiệu quả đối với đất đai và tài nguyên trên bề mặt, trong lòng đất.
3. Bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm, thoái hóa đất.
4. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất liền kề và xung quanh.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng, cụ thể:

Điều 63. Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng
1. Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp đặc điểm phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo.
[...]

Do đó, theo quy định của pháp luật, người dân không được tự ý trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân, vì việc sử dụng đất phải đúng mục đích theo quy định pháp luật.

Đất xây dựng mồ mả là đất nghĩa trang, phải được bố trí theo quy hoạch, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, môi trường, cảnh quan và không được làm ô nhiễm khu dân cư xung quanh.

Người dân có được trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân không?

Người dân có được trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân không? (Hình từ Internet)

Khi trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân thì có bị xử phạt không?

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 241 Luật Đất đai 2024 quy định về trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, cụ thể:

Điều 241. Trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
[...]

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển, nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật đất đai khác của người sử dụng đất.

[...]

Do đó, theo quy định, việc người dân trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật, hành vi này có thể bị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xử phạt khi phát hiện.

Người dân trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân có bị thu hồi đất không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Đất đai 2024 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, cụ thể:

Điều 81. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
2. Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.
3. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
4. Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.
5. Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.
[...]

Do đó, theo quy định của pháp luật, khi người dân trích phần đất ở để xây dựng mồ mả cho người thân thì hành vi này bị coi là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm thì Nhà nước có thể thu hồi phần đất đó theo quy định.

Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Minh Tâm
saved-content
unsaved-content
1