Phát triển dự án bất động sản là gì?
Nội dung chính
Phát triển dự án bất động sản là gì?
Phát triển dự án bất động sản là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn liên kết chặt chẽ với nhau, từ việc nghiên cứu, lên kế hoạch cho đến thiết kế, xây dựng, bàn giao và vận hành.
Đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên gia trong các ngành khác nhau, từ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, nhà quy hoạch đô thị đến chuyên gia tài chính, luật sư và đội ngũ tiếp thị.
Mục tiêu chính của việc phát triển bất động sản không chỉ đơn thuần là xây dựng nên các công trình mà còn tạo ra những tài sản có giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phù hợp với định hướng đầu tư của chủ đầu tư.
Một dự án bất động sản thành công không chỉ mang lại lợi nhuận tài chính mà còn đóng góp vào sự phát triển của hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Phát triển dự án bất động sản là gì? (Hình từ Internet)
Những giai đoạn phát triển của dự án bất động sản.
Việc hiểu các giai đoạn phát triển của một dự án bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, định hướng và đánh giá hiệu quả của dự án.
Sau đây là những giai đoạn phát triển của một dự án bất động sản:
(1) Giai đoạn nghiên cứu và lập kế hoạch: Đây là giai đoạn đầu tiên khi dự án bất động sản được ý tưởng hoá. Nhà đầu tư thực hiện các nghiên cứu thị trường, khảo sát địa chính, xác định mục tiêu, tạo kế hoạch phát triển và đánh giá khả năng kinh doanh của dự án.
(2) Giai đoạn quy hoạch - thiết kế: Sau khi hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, dự án bất động sản tiếp tục vào giai đoạn quy hoạch. Ở giai đoạn này, nhà đầu tư làm việc với các chuyên gia quy hoạch để xây dựng các bản vẽ kỹ thuật, phân lô, phân khu và lập các quy định liên quan đến quy hoạch đô thị dựa theo ý tưởng phát triển được hình thành từ giai đoạn trên.
(3) Giai đoạn xây dựng: Sau khi hoàn thành giai đoạn quy hoạch, dự án đi vào giai đoạn phát triển hạ tầng. Giai đoạn này bao gồm việc xây dựng các công trình hạ tầng như đường, cầu, cống, hệ thống điện, nước, viễn thông và các tiện ích công cộng khác.
Sau khi hạ tầng hoàn thành, dự án chuyển sang giai đoạn xây dựng các công trình nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại hoặc các công trình khác tùy thuộc vào loại hình bất động sản. Giai đoạn này bao gồm xây dựng kết cấu, hoàn thiện nội thất và các công việc liên quan để hoàn thành dự án.
(4) Giai đoạn tiếp thị và bán hàng: Giai đoạn tiếp thị bán hàng có thể được bắt đầu ngay từ giai đoạn xây dựng nếu dự án đáp ứng các điều kiện giấy phép mở bán . Nhà đầu tư tiến hành tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và tiến hành giao dịch bất động sản. Sau khi giao dịch hoàn tất, dự án được bàn giao cho khách hàng hoặc những người sử dụng cuối cùng.
(5) Giai đoạn quản lý và vận hành: Sau khi bàn giao dự án, giai đoạn quản lý và vận hành bắt đầu. Đây là giai đoạn duy trì, quản lý và vận hành các hoạt động liên quan đến bất động sản như bảo trì, quản lý hợp đồng, dịch vụ cung cấp, tương tác với cư dân/khách thuê và các hoạt động khác nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của dự án.
Nắm bắt rõ các giai đoạn này sẽ giúp tăng khả năng thành công và giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai dự án bất động sản.
Trách nhiệm chủ đầu tư dự án bất động sản được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì chủ đầu tư dự án bất động sản có trách nhiệm:
(1) Thực hiện việc đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý, khai thác dự án bất động sản theo quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án, thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
(2) Bảo đảm nguồn tài chính để thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được chấp thuận, phê duyệt.
(3) Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở cho bên mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua nhà ở đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho bên mua, thuê mua, trừ trường hợp bên mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
(4) Không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản.
(5) Thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư, xây dựng, sử dụng đất và giao dịch bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng bảo đảm người mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng đã mua, thuê mua của chủ đầu tư.
(6) Xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án theo đúng quy hoạch chi tiết, thiết kế được phê duyệt, giấy phép xây dựng, nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ các quy chuẩn về xây dựng.
(7) Việc bàn giao nhà ở thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
(8) Trường hợp bàn giao nhà ở xây dựng thô không phải là nhà chung cư cho bên mua, thuê mua thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà ở đó.
(9) Trách nhiệm khác của chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.