Mẫu văn khấn lễ tạ đất? Hướng dẫn cách bày ngựa cúng trong lễ tạ đất theo phong thủy?

Ý nghĩa của lễ tạ đất trong văn hóa dân gian? Tại sao lễ tạ đất lại cúng ngựa? Ngựa ngũ phương và cách bày trí trong lễ tạ đất? Các mẫu văn khấn tạ đất?

Nội dung chính

    Ý nghĩa của lễ tạ đất trong văn hóa dân gian?

    Theo tín ngưỡng dân gian, mỗi mảnh đất nơi con người sinh sống và làm ăn đều có các vị thần linh cai quản, bảo vệ. Những vị thần này thường được gọi là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Thần, đóng vai trò đảm bảo sự bình an, thịnh vượng cho gia chủ và gia đình.

    Chính vì vậy, mọi việc liên quan đến đất đai như xây dựng, sửa chữa, khai thác hoặc trồng trọt đều cần báo cáo, xin phép thần linh.

    Lễ tạ đất là nghi thức quan trọng, được thực hiện với mục đích:

    - Bày tỏ lòng biết ơn các vị thần đã bảo vệ đất đai, gia đạo trong suốt một năm qua.

    - Xin phép thần linh tiếp tục che chở, phù hộ cho gia đình có một năm mới bình an, phát tài, phát lộc.

    - Xua đuổi những điều không may mắn để đón chào sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn.

    Ngoài ra, lễ tạ đất còn mang ý nghĩa gắn kết giữa con người và thiên nhiên, nhắc nhở về sự trân trọng môi trường sống và vai trò của đất đai trong đời sống thường nhật.

    Mẫu văn khấn lễ tạ đất? Hướng dẫn cách bày ngựa cúng trong lễ tạ đất theo phong thủy?

    Mẫu văn khấn lễ tạ đất? Hướng dẫn cách bày ngựa cúng trong lễ tạ đất theo phong thủy? (Hình từ Internet)

    Tại sao lễ tạ đất lại cúng ngựa?

    Ngựa là một biểu tượng quan trọng trong tín ngưỡng dân gian Á Đông, gắn liền với sức mạnh, sự trung thành và tốc độ. Theo quan niệm, ngựa là phương tiện mà các vị thần linh sử dụng để đi chầu, tuần tra giữa nhân gian, thiên giới và âm phủ.

    Việc dâng cúng ngựa trong lễ tạ đất thể hiện lòng thành kính của gia chủ như một cách “chuẩn bị phương tiện” để các vị thần linh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

    Ngoài ra, trong phong thủy và văn hóa truyền thống, ngựa còn tượng trưng cho:

    - Sự may mắn và thịnh vượng: Cúng ngựa giúp gia chủ cầu mong tài lộc và thành công trong công việc.

    - Sự hanh thông và phát triển: Ngựa đại diện cho tốc độ, sự tiến lên và thuận lợi trong mọi hành trình.

    Khi thực hiện lễ tạ đất, người ta thường cúng ngựa ngũ phương, tượng trưng cho 5 phương trời đất (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung ương). Ngựa được làm bằng giấy với 5 màu sắc đặc trưng, mỗi màu ứng với một phương. Đây là cách gia chủ thể hiện lòng biết ơn đến toàn bộ thần linh cai quản vùng đất của mình.

    Ngựa ngũ phương và cách bày trí trong lễ tạ đất?

    (1) Bộ ngựa cúng

    Một bộ ngựa cúng trong lễ tạ đất thông thường bao gồm:

    - 5 con ngựa giấy với 5 màu:

    + Xanh: Tượng trưng cho phương Đông.

    + Đỏ: Tượng trưng cho phương Nam.

    + Trắng: Tượng trưng cho phương Tây.

    + Vàng: Tượng trưng cho Trung ương.

    + Tím/Đen: Tượng trưng cho phương Bắc.

    - Bộ mũ, áo, hia nhỏ đi kèm với từng con ngựa, tượng trưng cho trang phục của thần linh.

    - Cờ, kiếm, roi, cờ lệnh: Được cắm ngay ngắn trên lưng mỗi con ngựa, thể hiện sự trang trọng.

    - Tiền vàng mã: Mỗi con ngựa thường kèm theo 10 lễ tiền vàng để dâng thần linh.

    - Ngựa chính: Một con ngựa đỏ lớn hơn, kèm theo mũ áo, kiếm, roi và cây vàng hoa đỏ (tượng trưng cho 1000 vàng).

    (2) Cách bày trí ngựa cúng tạ đất

    Việc bày trí ngựa cúng trong lễ tạ đất cần được thực hiện đúng phong tục để đảm bảo sự trang trọng và thể hiện lòng thành kính. Dưới đây là cách bày trí phổ biến:

     Ngoài sân hoặc đất cần cúng

    - Đặt 5 con ngựa thẳng hàng, mặt hướng vào khu vực đất cần cúng.

    - Nếu không gian rộng, có thể đặt ngựa ngũ phương xung quanh khu vực đất, sao cho mỗi con ngựa tượng trưng cho một phương trời.

    Trong nhà

    - Đặt các con ngựa trên bàn thờ hoặc mâm cúng. Ngựa được xếp gọn gàng, mặt quay vào mâm lễ chính.

    - Ngựa chính (ngựa đỏ lớn) được đặt ở trung tâm, tượng trưng cho thần linh lớn nhất.

    Cúng tạ đất cần chuẩn bị những lễ vật nào?

    Bên cạnh việc tìm hiểu cách bày ngựa cúng tạ đất, gia chủ cũng cần quan tâm chuẩn bị đồ lễ. Lễ vật cúng tạ đất không nhất thiết phải cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy mà quan trọng ở lòng thành kính, thành tâm của gia chủ. Dưới đây là một số lễ vật cúng tạ đất tối thiểu cần có trong nghi thức cúng bái tạ đất, bao gồm:

    - Trái cây ngũ quả: Nên chọn loại quả tròn trịa với màu sắc bắt mắt

    - Hoa tươi (hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa lay ơn,…)

    - Hương/nhang, đèn cầy/nến

    - Muối trắng, gạo, nước lọc/nước suối

    - Rượu và 3 chén nhỏ đựng rượu

    - Bia, nước ngọt, thuốc lá, gói chè

    - Đĩa trầu cau

    - Một số loại bánh kẹo, oản

    - Xôi, cháo

    Gà luộc (là gà trống) hoặc không có hãy sử dụng chân giò heo (chân trước) luộc chín.

    Các mẫu văn khấn tạ đất?

    (1) Văn khấn tạ đất đầu năm

    Dưới đây là mẫu bài cúng tạ đất đầu năm, tạ cúng thần Thổ Công, Thổ Địa, mời các bạn cùng tham khảo:

    “Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Con xin kính lạy Ngài Quan đương xứ thổ địa chính thần.
    Con xin kính lạy Ngài Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần.
    Hôm nay, là ngày......tháng......năm......., tức ngày…. tháng… năm … (âm lịch).
    Tín chủ con tên là….. Ngụ tại……
    Hôm nay, tín chủ con cùng con cháu trong gia đình xin được thành tâm đọc văn khấn tạ đất và sửa soạn phẩm vật, hương hoa ngũ quả, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc tạ lễ thần linh Thổ Địa tại đây.
    Con lạy xin thưa, toàn gia chúng con nhờ có duyên lành mà đến an cư lạc nghiệp nơi đây. Chúng con xin đội ơn thần linh Thổ địa che chở, phù hộ độ trì, đất này được phong thủy an yên, khí sung, mạch vượng, quanh năm suốt tháng không hạn hán, lũ lụt. Trong ngoài ấm êm, gia đình mạnh khỏe.
    Hôm nay, nhân ngày lành tháng tốt, toàn gia chúng con xin được sắm sửa lễ tạ mong báo đáp ơn trên, tỏ lòng tôn kính. Một năm qua đi, trần gian mắt thịt, chúng con có điều gì chưa phải cúi xin các vị Thần Linh bao dung lượng thứ. Kính lạy cầu xin các Chư vị Tôn Thần tề tựu, thụ hưởng lễ vật, giáng lâm tâm đức.
    Con xin cúi lạy cầu nguyện cho toàn gia chúng con luôn được bình an vô sự, mọi sự hanh thông, công việc tốt lành.
    Kính mong các vị thần linh soi thấu tâm can chấp nhận lễ bạc lòng thành.
    Con xin cẩn cáo!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô A Di Đà Phật!”

    (2) Văn khấn tạ đất cuối năm

    Để bày tỏ lòng kính trọng đối với mảnh đất mà gia đình đang sinh sống và sử dụng, các gia đình thường tổ chức lễ văn khấn cuối năm để tạ ơn đất đai. Dưới đây là bài cúng tạ đất cuối năm chuẩn nhất mà bạn có thể tham khảo:

    “Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Con kính lạy:
    Quan đương xứ thổ địa chính thần.
    Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần.
    Hôm nay là ngày……tháng……năm……., nhằm tiết ……………………………….
    Chúng con là:……………………………………………………………………………….
    Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ thần linh Thổ Địa.
    Gia đình chúng con nhờ có duyên lành mà đến an cư lạc nghiệp nơi này. Đội ơn thần linh Thổ địa che chở, ban ân, đất này được phong thủy yên lành, khí sung, mạch vượng, bốn mùa không hạn ách tai bay, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Trong ngoài ấm êm, toàn gia mạnh khỏe. Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng tôn kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức.
    Cung kính nghĩ rằng thần linh Thổ địa sẽ tùy duyên ứng biến phù hộ cho gia đình chúng con được an cư, đạt được những điều mong ước, cho nhà cao cửa rộng, cho tăng tài tiến lộc, cho nhân vật hưng long.
    Âm dữ dương đồng, dốc lòng cầu khấn, cúi xin soi tận, ý khẩn tâm thành.
    Kính thỉnh Bản gia tiên tổ liệt vị chân linh đồng lai hâm hưởng.
    Cẩn cáo!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô A Di Đà Phật!”

    (Thông tin văn khấn lễ tạ đất mang tính chất tham khảo)

    1424
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ