Mái hắt là gì? Một số mẫu thiết kế mái hắt phổ biến hiện nay?
Nội dung chính
Mái hắt là gì?
Mái hắt hay còn gọi là ô văng là một dạng kết cấu kiến trúc nhô ra phía ngoài của tường nhà thường được lắp đặt ở các khu vực cửa ra vào, cửa sổ hoặc lanh tô nhằm mục đích bảo vệ ngôi nhà khỏi ảnh hưởng của thời tiết như mưa, nắng.
Cấu trúc của mái hắt có thể có dạng dốc hoặc ngang, tùy thuộc vào thiết kế và yêu cầu của công trình. Mái hắt giúp ngăn ngừa nước mưa hắt vào trong nhà, đồng thời tạo bóng mát cho không gian sống.
Mái hắt (ô văng) thường có chiều dài không vượt quá 1,2 mét và nhô ra khỏi mặt tường khoảng 40-50 cm. Độ dày của mái hắt thường dao động từ 6-9 cm, tạo thành một tấm che mỏng, không quá dày nhưng đủ để bảo vệ khu vực bên dưới. Thông thường, mái hắt được thi công trước và sau đó lắp vào phần cấu trúc chính của ngôi nhà.
Mái hắt là gì? Một số mẫu thiết kế mái hắt phổ biến hiện nay? (Hình ảnh Internet)
Các phương pháp xây dựng mái hắt?
Hiện nay, có hai phương pháp xây dựng mái hắt phổ biến:
- Mái hắt dính liền với lanh tô: Trong trường hợp này, mái hắt được xây dựng và kết nối trực tiếp với lanh tô cửa, tạo thành một hệ thống liên tục. Cách này giúp tiết kiệm vật liệu và thời gian thi công, đồng thời tạo nên một kết cấu vững chắc.
- Mái hắt rời lanh tô: Đối với phương pháp này, mái hắt được xây dựng tách biệt với lanh tô cửa, có thể tạo ra một kết cấu linh hoạt hơn trong thiết kế và thi công. Mái hắt có thể được lắp đặt sau khi hoàn thiện lanh tô, với các kết cấu hỗ trợ độc lập.
Một số mẫu thiết kế mái hắt phổ biến hiện nay?
(1) Mái hắt vươn dài ra lối đi
Đây là loại mái hắt hiện đại mang đến sự tinh tế cho cửa ra vào nhà bạn. Đặc biệt vào ban đêm khi đèn được bật sẽ tạo điểm nhấn cho lối đi của nhà bạn.
Hình từ Internet
(2) Mái hắt hình chữ nhật
Đây là loại mái hắt phổ biến nhất khi xây dựng. Chúng có kết cấu đơn giản, mang lại sự nhẹ nhàng trong thiết kế của căn nhà.
Hình từ Internet
(3) Mái hắt kết hợp dây văng
Loại mái hắt này có không có nhiều chi tiết nhưng đây cũng là một sự lựa chọn độc đáo cho những ai thích sự tối giản.
Hình từ Internet
(4) Mái hắt hiên
Loại mái hắt này không chỉ giới hạn khu vực cửa ra vào mà còn kéo dài đến hết mặt tiền của căn nhà.
Hình từ Internet
(5) Mái hắt chữ L
Mái hắt chữ L có thiết kế mạng mẽ, hiện đại. Thông thường, mái hắt chữ L sẽ được kết hợp thành ban công vì tính chắc chắn của nó.
Hình từ Internet
Một số lưu ý khi thiết kế mái hắt?
(1) Tính toán đúng kích thước và độ dốc
Mái hắt phải được thiết kế với kích thước phù hợp với diện tích của cửa sổ và cửa ra vào. Nếu mái hắt quá nhỏ, sẽ không đủ khả năng che mưa nắng cho phần cửa.
Ngược lại, mái hắt quá lớn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể của ngôi nhà. Độ dốc của mái hắt cũng cần phải được tính toán để đảm bảo khả năng thoát nước tốt, tránh tình trạng nước mưa đọng lại trên mái, gây hư hại cho công trình.
(2) Lựa chọn vật liệu phù hợp
Mái hắt có thể được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau, bao gồm bê tông, kim loại, ngói hoặc tôn. Tùy vào kiểu kiến trúc của ngôi nhà, nhu cầu thẩm mỹ và điều kiện khí hậu, bạn cần chọn vật liệu phù hợp.
Ví dụ mái hắt từ bê tông có độ bền cao nhưng nếu khu vực của bạn có thời tiết nóng ẩm, mái hắt bằng tôn hoặc kim loại có thể là lựa chọn tốt hơn do tính nhẹ và khả năng chịu nhiệt tốt.
(3) Kiểm tra độ bền và chất lượng thi công
Một mái hắt phải chịu tác động lớn từ thời tiết, đặc biệt là mưa và gió mạnh. Vì vậy, việc thi công cần phải đảm bảo sự chắc chắn và độ bền của kết cấu mái. Các mối nối, chân mái và các chi tiết khác cần phải được gia cố chắc chắn để tránh tình trạng mái bị rơi hoặc bị hư hỏng do tác động mạnh.
Kiểm tra chất lượng vật liệu và công tác thi công từ đầu đến cuối giúp đảm bảo công trình an toàn và bền lâu.
(4) Đảm bảo thoát nước hiệu quả
Mái hắt có nhiệm vụ che chắn mưa, nhưng nếu không được thiết kế để thoát nước tốt, nó sẽ gây ra tình trạng nước đọng lại, làm hư hại lớp sơn tường và gây thấm dột.
Do đó, khi thi công mái hắt, cần phải bố trí các khe thoát nước hợp lý, để nước mưa có thể chảy ra ngoài dễ dàng, tránh tình trạng ngấm nước vào trong nhà.
(5) Tính toán chi phí và thời gian thi công
Mái hắt có thể là một phần quan trọng trong việc bảo vệ ngôi nhà khỏi các yếu tố thời tiết nhưng cũng cần tính toán chi phí hợp lý. Các vật liệu như bê tông hay gỗ có thể có chi phí cao hơn, trong khi các loại vật liệu nhẹ như tôn hay nhựa có thể tiết kiệm chi phí hơn.
Thời gian thi công cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình.