Có nên lắp rèm cửa tự động không? So sánh rèm cửa tự động và rèm cửa truyền thống

Cấu tạo và cách thức hoạt động của rèm cửa tự động. So sánh rèm cửa tự động và rèm cửa truyền thống. Cần lưu ý gì khi lắp rèm cửa tự động?

Nội dung chính

    Cấu tạo và cách thức hoạt động của rèm cửa tự động

    Rèm cửa tự động ngày càng trở nên phổ biến trong thiết kế nội thất hiện đại nhờ tính tiện lợi và vẻ đẹp sang trọng. Vậy cấu tạo, cách thức hoạt động rèm cửa tự động như thế nào?

    (1) Cấu tạo của rèm cửa tự động

    Rèm cửa tự động cũng có những chi tiết giống với rèm cửa thông thường như: Mành rèm, ống cuộn vải rèm, con lăn, bánh chuyển động, ke đỡ rèm, thanh đáy, nắp chặn thanh đáy.

    Ngoài ra, cấu tạo khác biệt giữa rèm cửa tự động và rèm cửa truyền thống đó chính là rèm cửa tự động được trang bị thêm hệ thống động cơ và bộ điều khiển và thiết bị điều khiển từ xa.

    - Hệ thống động cơ: Đây là bộ phận trung tâm của rèm tự động, thường được gắn trên thanh rèm hoặc ở phần phía trên của khung cửa sổ. Động cơ giúp điều khiển việc kéo, mở hoặc đóng rèm một cách tự động.

    - Bộ điều khiển và thiết bị điều khiển từ xa: Rèm cửa tự động thường đi kèm với bộ điều khiển từ xa, có thể là remote hoặc điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại. Một số loại rèm hiện đại còn tích hợp công nghệ nhà thông minh, cho phép người dùng điều khiển qua giọng nói.

    (2) Cách thức hoạt động của rèm cửa tự động

    Rèm cửa tự động có cơ chế hoạt động tương tự như các loại rèm cửa thông thường. Điểm đặc biệt tạo nên khác biệt ở đây là rèm sử dụng bộ điều khiển từ xa để điều chỉnh rèm theo ý muốn của người dùng, lấy sáng hoặc cản sáng tùy ý muốn mà không cần chạm tay kéo dây để điều chỉnh.

    Khi nhấn nút điều khiển, động cơ sẽ kích hoạt và dây curoa kéo rèm đến vị trí mong muốn. Bạn có thể tùy chỉnh rèm mở hoàn toàn, mở một phần hoặc đóng lại hoàn toàn chỉ với một nút bấm. Ngoài ra, với loại rèm thông minh, bạn có thể cài đặt thời gian tự động mở và đóng rèm theo lịch trình hằng ngày.

    Rèm cửa tự độngCó nên lắp rèm cửa tự động không? So sánh rèm cửa tự động và rèm cửa truyền thống (Hình từ Internet)

    So sánh rèm cửa tự động và rèm cửa truyền thống

    Rèm cửa tự động và rèm cửa truyền thống đều có vai trò chính là điều chỉnh ánh sáng, đảm bảo sự riêng tư và tạo điểm nhấn cho không gian ngôi nhà. Tuy nhiên, mỗi loại rèm lại có đặc điểm khác biệt về mặt tiện lợi, công nghệ và cách sử dụng. Dưới đây là bảng so sánh rèm cửa tự động và rèm cửa truyền thống.

    Tiêu chí

    Rèm cửa tự động

    Rèm cửa truyền thống

    Độ tiện lợi 

    Có thể điều khiển từ xa qua remote, ứng dụng di động hoặc điều khiển bằng giọng nói (đối với rèm thông minh). Người dùng có thể mở hoặc đóng rèm từ bất cứ đâu trong nhà, thậm chí hẹn giờ tự động. 

    Cần phải kéo thủ công để mở hoặc đóng rèm và thường mất nhiều thời gian hơn khi điều chỉnh rèm lớn hoặc nhiều lớp. Điều này đôi khi không thuận tiện, đặc biệt với người có tuổi hoặc nhà có không gian rộng lớn.

    Độ bền và chi phí

    Chi phí cao hơn vì bao gồm động cơ và các bộ phận điều khiển, cùng với chi phí lắp đặt và bảo dưỡng định kỳ. 

    Tuy nhiên, nếu được lắp đặt và bảo dưỡng đúng cách, rèm tự động có thể có độ bền cao và hoạt động ổn định trong thời gian dài vì không bị tác động lực kéo mạnh thường xuyên.

    Chi phí thấp hơn, dễ lắp đặt và bảo trì, không cần bảo dưỡng động cơ hay các thiết bị điện. 

    Đây là lựa chọn khá tiết kiệm.

    Độ an toàn

    Thường an toàn hơn đối với gia đình có trẻ nhỏ, do không có dây kéo rủ xuống, giúp tránh nguy cơ trẻ bị mắc vào dây.

    Một số loại rèm truyền thống có dây kéo dài, có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu không được buộc gọn gàng.

    Phù hợp với

    Phù hợp hơn với cửa sổ ở vị trí cao, khó tiếp cận hoặc những người bận rộn.

    Phù hợp với cửa sổ ở vị trí thấp, dễ tiếp cận hoặc những người có ngân sách hạn hẹp.

    So sánh rèm cửa tự động và rèm cửa truyền thống

    Cần lưu ý gì khi lắp rèm cửa tự động?

    Để rèm cửa tự động phát huy tối đa công dụng của rèm cửa tự động, bạn cần lưu ý một số điểm sau đây:

    (1) Lựa chọn loại rèm và động cơ phù hợp

    - Chất liệu rèm: Trên thị trường hiện nay, rèm cửa tự động có nhiều loại chất liệu đa dạng như rèm vải, rèm gỗ, rèm cuốn,... Mỗi chất liệu đều mang lại vẻ đẹp và phong cách riêng, phù hợp với từng loại không gian khác nhau. Khi chọn rèm cửa tự động, việc lựa chọn chất liệu phù hợp không chỉ tạo nên sự hài hòa với nội thất mà còn đảm bảo tính tiện ích của rèm.

    - Kích thước khung rèm: Nhằm giúp rèm cửa tự động hoạt động hiệu quả và tạo tính thẩm mỹ cao, cần khung rèm có chiều dài và chiều rộng phù hợp. Đo chính xác chiều ngang và chiều cao của cửa sổ để có thể đặt rèm có kích thước phù hợp. Điều này không chỉ giúp rèm hoạt động mượt mà mà còn đảm bảo rằng rèm che kín khung cửa, mang lại sự riêng tư và tối ưu hóa ánh sáng trong phòng.

    - Động cơ: Tùy vào diện tích cửa sổ và loại rèm cửa tự động để chọn động cơ có công suất phù hợp giúp đảm bảo rèm hoạt động ổn định. Các loại rèm nặng hơn như rèm vải dày hoặc rèm đôi sẽ cần động cơ mạnh hơn so với các loại rèm khác. Nên ưu tiên những động cơ cho phép người dùng có thể đóng, mở rèm tự động bằng thao tác trên điện thoại để đem đến sự tiện lợi hơn cho người sử dụng.

    (2) Lắp đặt ổ cắm điện gần khu vực rèm

    Rèm cửa tự động cần được kết nối nguồn điện, vì vậy cần thiết kế ổ cắm điện gần vị trí lắp rèm để đảm bảo thuận tiện khi lắp đặt và sử dụng. Tránh phải móc nối dây điện, ổ điện nhiều gây bất tiện và nguy hiểm cho gia đình.

    (3) Chọn hệ thống điều khiển phù hợp

    Cần xem xét nhu cầu sử dụng để chọn phương thức điều khiển phù hợp. Nếu người dùng yêu thích công nghệ thông minh có thể chọn loại rèm tích hợp với ứng dụng điều khiển từ xa qua điện thoại hoặc điều khiển bằng giọng nói mang đến những trải nghiệm tốt cho gia đình bạn.

    (4) Vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ

    Cần vệ sinh rèm cửa tự động định kỳ và tùy thuộc vào chất liệu rèm. Lưu ý trước khi vệ sinh cần tắt nguồn điện để tránh nguy cơ bị điện giật. Không nên sử dụng những chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh rèm có thể gây hỏng rèm.

    Rèm cửa tự động cần được bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo độ bền và hoạt động trơn tru. Bạn nên kiểm tra định kỳ hệ thống dây curoa, động cơ và giữ cho thanh trượt sạch sẽ để tránh bị kẹt.

    12