Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Bất động sản công nghiệp là gì? Đặc điểm của loại hình bất động sản này?

Bất động sản công nghiệp có những đặc trưng gì khác biệt so với các loại hình bất động sản khác? Vì sao loại đất này lại hấp dẫn các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam?

Nội dung chính

    Khái niệm của bất động sản công nghiệp là gì?

    Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên từ thực tế, có thể hiểu bất động sản công nghiệp là loại hình tài sản hữu hình được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm các công trình như nhà xưởng, kho bãi, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở hạ tầng liên quan.

    Mục đích chính của bất động sản công nghiệp là cung cấp không gian và điều kiện vật chất để các doanh nghiệp sản xuất, lưu trữ và phân phối hàng hóa.

    Bất động sản công nghiệp có thể chia thành nhiều loại hình khác như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics,... Tuy nhiên, hiện nay cách phân loại bất động sản công nghiệp phổ biến nhất vẫn là kho và xưởng.

    Khái niệm bất động sản công nghiệp là gì? (Hình từ Internet)

    Đặc điểm của loại hình bất động sản công nghiệp?

    (1) Vị trí chiến lược: Một trong những ưu điểm nổi bật của bất động sản công nghiệp là có vị trí thuận lợi. Loại đất này thường gần các cảng, sân bay hay tuyến giao thông chính giúp tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

    (2) Diện tích lớn, linh hoạt: đây là yếu tố tạo sự khác biệt so với các loại hình bất động sản khác. Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các nhà máy sản xuất, thường cần một không gian rộng lớn để bố trí dây chuyền sản xuất, kho chứa nguyên vật liệu và sản phẩm thành phẩm. Các kho bãi công nghiệp cần diện tích lớn để lưu trữ một lượng lớn hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục.

    (3) Cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh: giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, nhờ vào việc cung cấp đầy đủ các tiện ích như điện, nước, internet, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại.

    (4) Hợp đồng thuê đất dài hạn: khoảng từ 5 - 10 năm giúp doanh nghiệp hạn chế việc tìm kiếm địa điểm mới, tập trung hơn vào việc sản xuất kinh doanh.

    Nguyên nhân bất động sản công nghiệp tại Việt Nam thu hút đầu tư là gì?

    (1) Sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hóa:

    Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc cần có cơ sở sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nhu cầu về bất động sản công nghiệp.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp không ngừng đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi phải có các cơ sở sản xuất mới, chuyên biệt cho từng loại sản phẩm. Sự tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu sản xuất hàng hóa ngày càng lớn, cũng là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi tăng theo.

    (2) Chính sách hỗ trợ của nhà nước:

    Các chính sách ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế đất, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi.

    Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư nhanh chóng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đi vào hoạt động sớm.

    Các chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Các chính sách ưu đãi cũng giúp các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, từ đó thúc đẩy nhu cầu về bất động sản công nghiệp.

    (3) Tiềm năng tăng trưởng cao:

    Một nguyên nhân cũng rất quan trọng đó là lực lượng lao động trẻ, đông đảo và năng động của Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến đầu tư trên đất công nghiệp nước ta hiện nay.

    Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, đông đảo với chi phí lao động cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Không những vậy, người lao động Việt Nam còn có tinh thần làm việc chăm chỉ, năng động và sẵn sàng học hỏi, là nguồn lực rất mạnh cho hoạt động sản xuất sản xuất, công nghiệp hiện nay.

    (4) Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

    Các doanh nghiệp đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Việt Nam với nhiều lợi thế tương tự như Trung Quốc, đang trở thành một điểm đến hấp dẫn để các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất.

    Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam và Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng lợi thế về chi phí lao động và các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản công nghiệp.

    13