Thông tư liên tịch 9-TT/LB năm 1993 hướng dẫn Quyết định 15-TTg về chính sách đối với cơ sở sản xuất đối với kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật do Bộ Lao động, thương binh và xã hội-Bộ Tài chính-Uỳ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
Số hiệu | 9-TT/LB |
Ngày ban hành | 17/05/1993 |
Ngày có hiệu lực | 17/05/1993 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính,Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước |
Người ký | Đỗ Quốc Sam,Hồ Tế,Trần Đình Hoan |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ
TÀI CHÍNH-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9-TT/LB |
Hà Nội , ngày 17 tháng 5 năm 1993 |
Thi hành Quyết định số 15-TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật, liên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG
Cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật theo Điều 1 của Quyết định số 15-TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở do họ lập ra, hoặc được các cơ quan, các cấp chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội giúp đỡ họ thành lập nhằm mục đích tạo việc làm, cải thiện đời sống, phục hồi chức năng dưới các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty, xí nghiệp; nếu có đủ điều kiện sau đây được hưởng chế độ ưu đãi qui định tại Thông tư này:
2. Quản lý, điều hành cơ sở chủ yếu là thương bệnh binh, người tàn tật.
3. Điều lệ hoặc qui chế hoạt động phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, sức khoẻ của thương bệnh binh, người tàn tật đảm bảo lợi ích tập thể, lợi ích các thành viên. Đặc biệt quan tâm đến thương bệnh binh và người tàn tật.
4. Thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ của Nhà nước như chế độ sổ sách kế toán, hoá đơn mua bán hàng, mở tài khoản tại Ngân hàng, đăng ký nộp thuế.
5. Trong một cơ sở phải có ít nhất 10 lao động, trong đó có 51% trở lên số lao động làm việc là thương bệnh binh đã được xếp hạng, người tàn tật do cơ quan y tế xác nhận, số lao động còn lại chủ yếu là vợ, con họ, thân nhân chủ yếu của liệt sĩ, quân nhân xuất ngũ, người góp vốn cổ phần và người lao động có trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật.
6. Phải có vốn pháp định, phù hợp với từng loại doanh nghiệp theo luật pháp hiện hành. Nguồn hình thành vốn từ:
- Từng thành viên trong cơ sở đóng góp.
- Tiền góp cổ phần.
- Các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức kinh tế và xã hội, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ.
7. Phải được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định công nhận là cơ sở sảm xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật, sau khi có sự thẩm định và đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và xã hội.
II. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA THƯƠNG BỆNH BINH, NGƯỜI TÀN TẬT.
1. Trợ giúp vốn từ quĩ quốc gia giải quyết việc làm:
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật thực sự có khó khăn trong việc tạo lập cơ sở vật chất ban đầu như nhà xưởng sản xuất, trang thiết bị máy móc cần thiết, đào tạo nâng cao tay nghề được Nhà nước xem xét trợ giúp một phần kinh phí bằng nguồn vốn cấp, với mức tối đa bình quân 1 triệu đồng/người, chỉ tính cho những người là thương binh, bệnh binh, người tàn tật.
- Được ưu tiên vay vốn để duy trì sản xuất - kinh doanh, mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm thu hút thêm lao động. Các cơ sở được vay chỉ chịu phí vay, không phải trả lãi; mức vay tối đa bình quân 5 triệu đồng/người tính cho tổng số lao động của cơ sở. Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật chỉ được vay tiếp lần sau khi đã trả xong vốn vay lần trước.
Các cơ sở có nhu cầu đề nghị Nhà nước trợ cấp và cho vay vốn phải lập dự án báo cáo Sở Lao động - Thương binh và xã hội để tổng hợp, xem xét trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt sau khi có ý kiến tham gia của Uỷ ban Kế hoạch và Sở Tài chính. Việc trợ giúp vốn và cho vay vốn chỉ được giải quyết trong phạm vi ngân sách được Chính phủ duyệt.
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật còn được vay các nguồn vốn khác trong khuôn khổ quy định của pháp luật với lãi suất nâng đỡ.
2. Được cấp lại tiền thuế đã nộp:
a) Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật được Nhà nước ưu đãi về thuế như sau:
- Cấp lại 100% thuế lợi tức, thu về sử dụng vốn ngân sách.
- Cấp lại 50% thuế doanh thu và thuế tiêu thụ đặc biệt.
b) Tiền thuế được cấp lại là vốn Nhà nước trợ giúp, hạch toán vào vốn ngân sách Nhà nước cấp, thuộc tài sản chung của tập thể dùng vào mục đích mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm chung cho tập thể, không chia cho bất cứ thành viên nào khi rời khỏi cơ sở sản xuất kinh doanh. Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật (không thuộc doanh nghiệp Nhà nước) khi không còn được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật, thì toàn bộ tài sản của Nhà nước hỗ trợ trong đó có cả tiền thuế cấp lại phải hoàn trả ngân sách Nhà nước.
c) Thủ tục nộp và cấp lại tiền thuế được qui định như sau:
- Cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật phải nộp đủ các loại thuế theo luật, pháp lệnh vào ngân sách Nhà nước. Chứng từ nộp thuế phải ghi rõ số tiền và loại thuế: doanh thu, tiêu thụ đặc biệt, lợi tức và thu sử dụng vốn ngân sách đã nộp.