Thông tư 93/2010/TT-BTC hướng dẫn việc xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 93/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 28/06/2010
Ngày có hiệu lực 12/08/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 93/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XÁC ĐỊNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH LÀ HÀNH VI BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007;
Căn cứ Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
Căn cứ Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 4/11/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán;
Căn cứ Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá;
Căn cứ Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại;
Căn cứ Nghị định số 41/2009/NĐ-CP ngày 5/5/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn;
Sau khi có ý kiến của Bộ Công Thương (Ban Chỉ đạo 127 TW), Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các lực lượng có chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong trong lĩnh vực tài chính.

2. Hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các đối tượng quy định tại khoản 1 điều này được hỗ trợ kinh phí từ nguồn thu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 4/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC.

Điều 2: Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan.

Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan là hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007, bao gồm:

1. Không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ, mã số hàng hoá, thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Khai khống về tên hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá hàng hoá xuất khẩu.

3. Lập và khai không đúng các nội dung trong hồ sơ quyết toán thuế, hồ sơ thanh khoản, hồ sơ miễn thuế, hồ sơ xét miễn, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế.

4. Không khai hoặc khai sai so với quy định của pháp luật về ngoại tệ, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo khi xuất cảnh, nhập cảnh.

5. Không xuất trình hàng hoá còn đang lưu giữ là đối tượng kiểm tra sau thông quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

6. Không cung cấp chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định của pháp luật.

7. Đánh tráo hàng hoá đã kiểm tra hải quan với hàng hoá chưa kiểm tra hải quan.

8. Giả mạo niêm phong hải quan, giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá mà không phải là tội phạm.

9. Di chuyển phương tiện vận tải chở hàng hoá quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu không đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định hoặc đăng ký trong hồ sơ hải quan mà không có lý do xác đáng.

10. Tự ý phá niêm phong hải quan.

11. Tự ý thay đổi bao bì, nhãn hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan.

12. Không bảo quản nguyên trạng hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan hoặc hàng hoá được giao bảo quản theo quy định của pháp luật chờ hoàn thành việc thông quan.

13. Tự ý tiêu thụ hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan.

14. Tự ý tiêu thụ phương tiện vận tải đăng ký lưu hành tại nước ngoài tạm nhập cảnh vào Việt Nam.

15. Tự ý tiêu thụ hàng hoá được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.

16. Chứa chấp, mua bán, vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp lệ trong địa bàn hoạt động hải quan.

17. Vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới mà không phải là tội phạm.

18. Bốc dỡ hàng hoá không đúng cảng đích ghi trong bản lược khai hàng hoá, vận tải đơn mà không có lý do xác đáng.

19. Tự ý xếp dỡ, chuyển tải, sang mạn, sang toa, cắt toa hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trên phương tiện vận tải đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

20. Tẩu tán, tiêu huỷ hoặc vứt bỏ hàng hoá để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát Hải quan.

[...]