Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

Số hiệu 97/2007/NĐ-CP
Ngày ban hành 07/06/2007
Ngày có hiệu lực 01/07/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số : 97/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

Mục 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Chương này quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước về hải quan và vi phạm pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi chung là lĩnh vực hải quan) mà không phải là tội phạm; xử lý vi phạm đối với cơ quan hải quan và công chức hải quan.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan khác với Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế.

2. Các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực hải quan mà không được quy định tại Nghị định này thì thực hiện xử phạt hành chính theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

3. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan;

b) Vi phạm các quy định của pháp luật về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

c) Vi phạm các quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là thuế);

d) Vi phạm các quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, hành lý, ngoại hối, vàng, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý, cổ vật, văn hoá phẩm, bưu phẩm, vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và các tài sản khác (sau đây gọi chung là hàng hoá); vi phạm các quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

Điều 2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

1. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau đây gọi chung là vi phạm hành chính) phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành kịp thời, công minh, triệt để. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định khác của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan phải do người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 28 Nghị định này tiến hành.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi cá nhân, tổ chức vi phạm đều bị xử phạt. Cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt, mức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Nghị định này.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Điều 3. Các tình tiết giảm nhẹ

1. Vi phạm lần đầu.

2. Tang vật vi phạm có trị giá nhỏ hơn mức tiền phạt tối thiểu của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm.

3. Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc đã tự nguyện khai báo và khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

[...]